Cẩn trọng khi mua bánh trung thu 'bằng niềm tin'

(PLVN) - Bánh thủ công do ai làm, ở đâu, các nguyên liệu trong bánh có bảo đảm an toàn hay không, chế biến như thế nào... thì người tiêu dùng không được biết, chỉ có thể “mua bằng niềm tin”. Cách mua bán mù mờ thông tin như vậy là đang “đánh đu với sức khỏe” của chính mình.
Nhiều sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc tràn lan thị trường. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Nhiều sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc tràn lan thị trường. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Hàng nghìn bánh trung thu không bảo đảm an toàn

Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện một điểm kinh doanh ở phường Thạnh Xuân, quận 12, TP HCM tàng trữ 3.576 cái bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn sử dụng, có tổng trị giá hơn 25 triệu đồng. Cùng ngày, cơ quan chức năng đã phối hợp liên ngành kiểm tra điểm kinh doanh chứa trữ hàng hóa trên quốc lộ 1A, quận 12, phát hiện 4.608 cái bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn sử dụng, có tổng trị giá hơn 18,4 triệu đồng.

Cũng trong tháng 9, cơ quan chức năng đã kiểm tra các cơ sở kinh doanh tại quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, quận 3 và quận Bình Thạnh, TP HCM phát hiện gần 1.500 bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ. Tất cả các sản phẩm đều không có hóa đơn chứng từ, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có tài liệu liên quan đến chất lượng sản phẩm... Toàn bộ số hàng hoá nêu trên đã bị cơ quan chức năng thu giữ để xử lý theo quy định.

Từ ngày 23/8/2023 đến nay, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 8 vụ vi phạm về các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tạm giữ 5.490 cái bánh trung thu các loại, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 72,2 triệu đồng; từ đó đã xử phạt 4 vụ với số tiền 34 triệu đồng và buộc tiêu hủy 1.424 cái bánh trung thu, trị giá ước tính khoảng 35,5 triệu đồng.

Thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường TP HCM tiếp tục tăng cường giám sát đối với sản phẩm bánh trung thu và các mặt hàng liên quan, đồng thời đưa ra những khuyến cáo tiêu dùng an toàn cho người dân.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã đưa ra hướng dẫn cách chọn bánh trung thu an toàn, theo đó, người tiêu dùng cần lưu ý, sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng như có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Người tiêu dùng chỉ nên mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định. Người mua cũng nên lựa chọn các nhà sản xuất đáp ứng được các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.

Cẩn trọng khi mua hàng “bằng niềm tin”

Trong số hàng loạt sản phẩm bị tịch thu do không rõ xuất xứ nói trên, không ít là bánh trung thu thuộc dòng tan chảy, một dòng bánh trung thu đang thịnh hành trên thị trường hiện nay.

Chị Lê Thị Hải Hà, chủ tiệm tạp hóa 95, phường 25, quận Bình Thạnh cho biết, gần đây, ngoài bánh trung thu truyền thống, khách đến mua thường hỏi dòng bánh tan chảy. Chị có nhập dòng bánh như yêu cầu của khách về bán, nhưng nhiều khách chê đắt hơn trên mạng. Cùng một thương hiệu nhưng trên mạng có nơi bán giá chỉ bằng một nửa hoặc 2/3 giá tạp hóa bên ngoài. “Bản thân mình nhập hàng về từ gốc mà đã đắt hơn giá họ bán nhiều, thì không hiểu những sản phẩm ấy từ đâu ra, chất lượng thế nào”, chị Hà băn khoăn.

Ngoài ra, bánh trung thu hiện được rao bán trên mạng rất nhiều, từ cơ sở kinh doanh cho đến cá nhân nhỏ lẻ. Trong số đó có những bánh được giới thiệu của các thương hiệu có tiếng nhưng được bán giá thấp hơn cả giá niêm yết trên các trang web của thương hiệu đó.

Trên thị trường còn có một số loại bánh trung thu không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ trên bao bì, bao bì cũng là loại mua sẵn. Các sản phẩm này được người bán quảng cáo là hàng “thủ công” hoặc hàng “tại lò”. Liên hệ một nhà bán đăng bán bánh trung thu trên trang cá nhân với giá “rẻ bất ngờ” chỉ 65 ngàn/bánh thập cẩm 2 trứng, người bán cho biết bánh được lấy từ một lò bánh truyền thống “có tiếng” ở một huyện tại Bến Tre. Nhưng phóng viên xác minh thông tin thì không có tên lò bánh này tại địa bàn đó.

Như vậy, bánh thủ công do ai làm, ở đâu, các nguyên liệu trong bánh có bảo đảm an toàn hay không, chế biến như thế nào... thì người tiêu dùng không được biết, chỉ có thể “mua bằng niềm tin”. Cách mua bán mù mờ thông tin như vậy là đang “đánh đu với sức khỏe” của chính mình.

Thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu về nguyên liệu sản xuất bánh; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất lượng sản phẩm... bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Trong dịp Tết Trung thu, đơn vị quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng bán bánh trung thu về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đọc thêm