Nhưng một số ý kiến cho rằng “thịt bò” giá rẻ này thực chất là thịt trâu đông lạnh nhập khẩu, thịt heo nái, thịt heo chết, được “hô biến” bằng hóa chất, tẩm ướp và dán nhãn giả để lừa người tiêu dùng. Nếu sử dụng lâu dài, có thể gây nguy hại đến sức khỏe.
Giá rẻ bất thường
Theo ghi nhận, trên Facebook, Zalo hay TikTok, “thịt bò giá rẻ” được bán tràn lan. Mỗi ngày, có hàng trăm buổi livestream, bài đăng quảng cáo “thịt bò nhập khẩu giá công nhân”, “đùi bò Mỹ siêu mềm, chuẩn hàng kho”, “giao tận nhà, rẻ hơn thị trường 50%”. Các loại thịt được rao “nhà tự giết mổ” hoặc “nhập khẩu”, giá chỉ 64.000 - 120.000 đồng/kg. So với giá ngoài chợ hay các siêu thị, rẻ chỉ bằng một nửa, thậm chí một phần ba.
Trong vai người vừa mở quán lẩu bò, PV tiếp cận một đầu mối chuyên bán “thịt bò giá rẻ” qua Facebook tại phường Bửu Long, TP Biên Hòa (Đồng Nai). Người bán hàng cho biết giá thịt bò tảng chỉ 90.000 đồng/kg nếu mua từ 3kg trở lên, mua lẻ giá là 125.000 đồng. Các loại thịt khác cũng được rao bán với giá “siêu mềm”: bắp bò 135.000 đồng/kg, gù bò 120.000 đồng/kg (nếu mua từ 5kg trở lên), gân bò 90.000 đồng/kg.
Người bán cho rằng mỗi ngày cơ sở nhà mình có thể giết mổ và bán khoảng 20 con bò. Tuy nhiên, quan sát thực tế cho thấy lượng thịt tại quầy chỉ khoảng 20kg, bày chung với các loại hải sản. Khi hỏi mua đầu bò để hầm nước, người bán trả lời không có. Qua nhiều ngày theo dõi việc bán hàng của người này, PV ghi nhận mỗi ngày chỉ bán trên dưới 100kg thịt, tương đương nửa con bò; không khớp với lời quảng cáo.
![]() |
Một số loại “thịt bò siêu rẻ” được rao bán trên mạng xã hội. (Ảnh: Tiến Dũng) |
Tiếp cận một cơ sở chuyên cung cấp sỉ và lẻ “thịt bò giá rẻ” tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (TP HCM), chủ cơ sở đưa ra bảng giá còn rẻ hơn: Nạm bụng 64.000 đồng/kg, bắp rùa 90.000 đồng/kg, gân 76.000 đồng/kg, sườn dẻ 74.000 đồng/kg, bắp hoa 96.000 đồng/kg, bò viên 70.000 đồng/kg… nếu đặt từ 5 thùng (mỗi thùng 20kg). “Nhiều quán ăn, quán lẩu đều lấy thịt bên tôi”, người này nói. Khi PV đề nghị cho xem giấy tờ kiểm dịch hoặc chứng minh nguồn gốc, người bán trả lời: “Hàng kho nhập khẩu, có giấy tờ nếu cần, nhưng khách quen thì mới đưa xem”.
Thực tế là thịt trâu nhập khẩu, heo nái già, heo chết?
Theo một đầu mối cung cấp thịt bò tại TP Biên Hòa, thịt bò thật hiện không thể có giá rẻ như trên: “Ba chỉ bò khoảng 180.000 đồng/kg, thăn giá 250.000 đồng/kg, bắp hoa 260.000 đồng/kg. Giá dưới 100.000 đồng/kg mà nói là bò thì khó có thể tin được”. Ông cho rằng đó có thể là thịt trâu đông lạnh nhập khẩu, có màu sắc và thớ thịt gần giống thịt bò nhưng độ mềm và hương vị kém hơn. Người này cũng cho rằng: “Hiện một số quán bò nướng tảng dùng cổ trâu nhập khẩu giá khoảng 90.000 đồng/kg. Nếu người sành ăn sẽ phát hiện ra có mùi rất đặc trưng, không giống thịt bò”.
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nói: “Thịt bò giá rẻ” đang làm méo mó thị trường. Người dùng tưởng mua được rẻ, nhưng thực chất là đang sử dụng loại thịt không kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc; ảnh hưởng gan, thận nếu ăn lâu dài. Thực tế này cũng này khiến các hộ chăn nuôi và DN làm ăn chân chính bị thiệt hại nghiêm trọng vì không thể cạnh tranh nổi với hàng trôi nổi giá rẻ bị “phù phép””.
![]() |
Không chỉ là thịt trâu nhập khẩu, mà thịt heo nái già hoặc heo chết cũng được “hô biến” thành bò. Một cán bộ thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai nói: “Chúng tôi từng phát hiện nhiều lô hàng thịt trâu đông lạnh không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bị tái đông nhiều lần, trộn lẫn thịt heo nái đã qua xử lý bằng hóa chất. Những loại thịt này được tẩy rửa, khử mùi, ngâm phẩm màu rồi đóng khay, dán mác thịt bò. Việc sử dụng các chất như formol, sodium nitrate hay phẩm màu công nghiệp trong quá trình tẩy rửa và tạo màu không chỉ làm mất giá trị dinh dưỡng mà còn gây hại đến gan, thận và là nguyên nhân tiềm tàng của nhiều loại bệnh tật”.
Để phòng, chống tình trạng trên, ông Đoán đề xuất cần kiểm tra đột xuất thường xuyên các kho lạnh, điểm bán hàng trên mạng xã hội. Xử lý nghiêm hành vi làm giả nhãn mác, cung cấp hàng không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng sức khỏe người dân và làm rối loạn thị trường. Để giải quyết tận gốc, cần áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR với thực phẩm tươi sống, phát huy vai trò giám sát cộng đồng và truyền thông để người tiêu dùng cảnh giác, không vì ham rẻ mà tiếp tay cho thực phẩm bẩn.