Cá ngừ mất đà xuất khẩu, ghi nhận mức thấp kỷ lục trong tháng 4

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong tháng 4/2025 chỉ đạt gần 15,8 triệu USD, giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2023. Theo cảnh báo từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, xu hướng sụt giảm có thể tiếp diễn nếu các vướng mắc về nguyên liệu và bất ổn địa chính trị trên thế giới chưa được tháo gỡ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 4/2025, xuất khẩu (XK) cá ngừ của Việt Nam chỉ đạt hơn 86 triệu USD, giảm gần 1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong số các sản phẩm cá ngừ XK của Việt Nam, XK cá ngừ đóng hộp có xu hướng giảm mạnh và gần chạm đáy trong 2 năm qua.

Dẫn số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, VASEP cho biết, giá trị xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong tháng 4/2025 chỉ đạt gần 15,8 triệu USD, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức gần như thấp nhất kể từ tháng 1/2023 trở lại đây.

Theo các doanh nghiệp, những vướng mắc lớn liên quan đến các quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác và quy định không trộn lẫn nguyên liệu hải sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu... theo nghị định 37/2024/NĐ-CP đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động đánh bắt và xuất khẩu cá ngừ, đặc biệt là đối với xuất khẩu cá ngừ đóng hộp.

Trái lại, xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ khác trong tháng này đều tăng. Đáng chú ý, các mặt hàng cá ngừ chế biến khác mã HS16, trong đó chủ yếu loin cá ngừ hấp đông lạnh tăng tới 62% so với cùng kỳ. Còn các mặt hàng thịt/loin cá ngừ đông lạnh tăng 15%.

Xuất khẩu cá ngừ sang các một số thị trường chính trong tháng 4/2025 cũng đang sụt giảm.

Tại thị trường Mỹ, sau khi nước này tạm hoãn áp “thuế đối ứng” 46% đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam trong 90 ngày, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội này thúc đẩy sang thị trường này. Tuy nhiên đến thời điểm này các hoạt động xuất khẩu cũng đang chậm lại. Xuất khẩu sang thị trường này trong tháng 4 chỉ đạt gần 36 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2024.

Cùng với đó, xuất khẩu sang khối thị trường EU cũng đang chậm lại, giá trị xuất khẩu sang thị trường này trong tháng 4 chỉ tăng 11% so với cùng kỳ, đạt gần 21 triệu USD. Hà Lan, Italy và Đức vẫn là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam tại khối thị trường này. Hiện xuất khẩu sang Hà Lan và Italy vẫn có sự tăng trưởng, sang Đức tiếp tục giảm so với cùng kỳ.

Trong khi đó, những bất ổn về địa chính trị tại khu vực Trung Đông đang tác động lớn tới xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này. Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Israel tiếp tục giảm mạnh 57% trong tháng 4. Tính luỹ kế 4 tháng đầu năm 2025 xuất khẩu sang thị trường này giảm gần 62% so với cùng kỳ. Sang Ảrập Xêut cũng không khả quan hơn, giảm 35%.

Xuất khẩu sang Canada cũng đảo chiều giảm trong tháng 4, sau khi tăng trưởng cao trong 2 tháng trước đó. XK sang thị trường này chỉ đạt gần 3 triệu USD trong tháng 4, giảm 27% so với cùng kỳ.

VASEP dự báo, trước tình hình những nút thắt về nguồn nguyên liệu trong nước như hiện nay chưa kịp tháo gỡ, cộng với tác động của sự bất ổn về địa chính trị, cũng như việc thay đổi chính sách thương mại tại các thị trường chính… xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam nhiều khả năng sẽ giảm sâu hơn.

Đọc thêm