Cẩn thận vết thương do kiến ba khoang
Thống kê tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, từ tháng 6 đến tháng 9/2022 có khoảng 900 bệnh nhân bị viêm da kích ứng đến khám, riêng do viêm da tiếp xúc với kiến khoang chiếm gần một nửa. Hiện nay, kiến ba khoang xuất hiện nhiều tại các khu vực tập trung đông dân cư, thường thấy ở những nơi như kí túc xá sinh viên, chung cư hoặc nhà tập thể cũ. Tình trạng kiến ba khoang cũng khiến nhiều người đau đầu tìm cách xử lý vì các loại thuốc xịt đuổi côn trùng thông thường không thể xử lý hết những ổ kiến.
Chị Nguyễn Thị Hà (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Khu vực nhà ở gần bờ đê sông Hồng nên những lúc giao mùa thường côn trùng rất nhiều. Các ổ kiến ba khoang cũng kéo đến liên tục dù gia đình đã mua các loại thuốc xịt đuổi côn trùng nhưng vẫn không thể hết”. Chị Hà cho biết, cả 4 thành viên trong gia đình chị bao gồm cả hai con nhỏ đều bị kiến ba khoang cắn và nổi những vết bỏng rộp trên da.
Dấu hiện nhận biết vết cắn của kiến ba khoang rõ nhất là sự xuất hiện rát đỏ, ranh giới rõ trên da. Tổn thương nhanh chóng lan ra xung quanh, đồng thời xuất hiện thêm nhiều mụn mủ và tổn thương tương tự vị trí gần vết cắn. Những vết thương này nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây đau rát, vết bỏng nhanh chóng lây lan và khó chịu cho nạn nhân.
Một trường hợp khác, nam thanh niên L.V.T (19 tuổi, Hà Nội) cho biết có tiếp xúc với kiến ba khoang 3 ngày trước, nhưng do chủ quan trước đó đã bị một lần, nên T. lấy thuốc cũ để bôi vào vết thương. Đến khi tổn thương trợt loét da, quá đau thì T. mới đến bệnh viện thăm khám. “Nhà em ở chung cư tầng 9, xung quanh cũng nhiều cây cối. Buổi tối em đi ngủ bình thường, nhưng sáng hôm sau thấy đau rát. Em đã bị kiến ba khoang đốt một lần, nên em lấy thuốc lần trước ra bôi. Lúc đầu chỉ đau rát, nhưng sau nó loét ra...” - T. chia sẻ.
Theo các chuyên gia, kiến ba khoang có thể tiết ra dịch và loại dịch này thường có chứa độc tố có tên là pederin. Độc tính của nó có thể mạnh gấp 12 - 15 so với rắn hổ. Vì lượng dịch tiết ra từ kiến ba khoang thường ít nên không gây chết người như những trường hợp bị rắn cắn. Tuy nhiên, nếu không được xử trí kịp thời, vết thương do bị kiến ba khoang cắn cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tử vong.
Khi bị kiến ba khoang cắn, người bệnh thường có cảm giác râm ran ngay tại lúc đó. Sau khoảng 6 đến 8 giờ thì những vết ban đỏ bắt đầu xuất hiện. Khoảng 1 đến 2 ngày sau những tổn thương đặc trưng nhất sẽ xuất hiện. Tiếp đó khoảng 3 ngày thì trình trạng bệnh bắt đầu có sự thuyên giảm, vết kiến cắn có hiện tượng bong vảy. Khoảng 5 đến 7 ngày sau, vảy bong hết nhưng có thể để lại vết thâm rất lâu.
BSCK II Nguyễn Thị Thanh Thùy - Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, tùy từng bệnh nhân tiếp xúc với kiến ba khoang sẽ có những tình trạng bệnh khác nhau, có bệnh nhân tổn thương giới hạn ít, có những bệnh nhân tổn thương rộng do chà xát, cào gãi. Đặc biệt có bệnh nhân điều trị không đúng dẫn đến tổn thương nặng, vết loét sâu, nguy cơ để lại vết thâm và sẹo rất lớn.
“Rất nhiều bệnh nhân không đến khám ở bệnh viện mà lại tự mua thuốc về uống và bôi. Thường thì họ sẽ chẩn đoán nhầm với zona, cho bôi và uống Acyclovir, làm cho tổn thương lan rộng nhiều”, bác sĩ Thùy cho biết. Cũng theo bác sĩ, hiện nay đang vào mùa sinh sản của kiến ba khoang, vì vậy những ổ kiến ba khoang sẽ lan rộng trên các địa bàn khác ở Hà Nội.
Phương pháp xử lý vết thương
Vết thương do kiến ba khoang gây ra thường gây nhầm lẫn với những bệnh zona hay chàm, bỏng thông thường. Vì vậy, nhiều người thường không kiểm tra kỹ mà tự ý sử dụng những biện pháp trị bỏng theo lối cũ như dùng thuốc trị bỏng, kem đánh răng,... gây ra nhiễm trùng vết thương và khiến diện tích vết bỏng lớn hơn. Đặc biệt, nếu không xử lý đúng cách, vết thương này sẽ rất lâu lành lại và để lại vết thâm sẹo lớn.
Tuỳ diện tích tổn thương và mức độ tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, một số tổn thương ít có thể tự lành được. Nhưng nếu không biết mà chà xát hoặc chăm sóc không đúng cách thì vết thâm để lại trên vùng da tổn thương sẽ khá lâu, thậm chí là loét sâu.
Các chuyên gia đưa ra khuyến cáo, khi thấy kiến ba khoang xuất hiện trên cơ thể, tuyệt đối không được đập hay giết kiến luôn vì sẽ khiến lượng độc tố trong kiến bị rây ra vùng da tiếp xúc, ngay lập tức gây bỏng. Thay vào đó, hay dùng một tờ giấy hoặc vật dụng để đuổi kiến ra khỏi da và xử lý bằng những loại dung dịch chuyên dụng.
Trong trường hợp bị kiến đốt, vết kiến cắn thường gây ngứa nên hạn chế tối đa thói quen gãi ngứa để tránh gây trầy xước, khiến tình trạng tổn thương lan rộng và nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, khi kiến vừa cắn xong, vết cắn thường chứa nhiều vi khuẩn, do đó việc gãi ngứa sẽ làm tăng nguy cơ gây nhiễm trùng da, rất nguy hiểm. Nên rửa vết kiến cắn để bằng nước sạch. Sau đó, đừng quên sát trùng vết thương và nên đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ điều trị kịp thời. Để điều trị, các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc phù hợp với từng trường hợp bệnh nhân. Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Không nên áp dụng các bài thuốc dân gian. Trên thực tế, rất nhiều người bệnh đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do áp dụng một số biện pháp chữa bệnh truyền miệng để xử lý các vết cắn của kiến ba khoang. Đặc biệt là một số bài thuốc đắp lá có thể khiến cho tình trạng viêm loét càng trở nên nghiêm trọng hơn và còn có thể khiến cho người bệnh bị đe dọa đến tính mạng.
Ngoài những cách sơ cứu vết thương do bị kiến ba khoang đốt, các gia đình cũng cần có những biện pháp phòng tránh kiến ba khoang cho căn nhà của mình.
Trước hết, muốn phòng ngừa hiệu quả, nên tránh để kiến bay vào nhà bằng cách hạn chế mở quá nhiều cửa. Đối với những gia đình ở gần cánh đồng hoặc có sân vườn, trồng nhiều cây cối rậm rạp thì điều này lại càng quan trọng hơn. Khi đi ngủ, cần sử dụng màn chắn côn trùng. Phương pháp này không chỉ phòng chống kiến ba khoang mà còn giúp ngăn ngừa bị muỗi đốt và phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết.
Thường xuyên vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà. Lưu ý nên phát quang bụi rậm, vùng cỏ dại quanh nhà. Hạn chế tạo ra một không gian, môi trường ẩm thấp vì những điều kiện không gian này thường thu hút kiến ba khoang. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt.
Đối với những người thường xuyên làm việc ở môi trường bên ngoài như đồng ruộng, công trình xây dựng,... khi đi làm việc cần dùng phương tiện bảo hộ lao động như: quần áo dài tay, đội mũ/nón, khẩu trang, đi ủng.
Ngoài ra, để xử lý những ổ kiến ba khoang xuất hiện trong không gian quanh nhà, có thể dùng đến các loại dung dịch như deltamethrin, alphacyhalothrin và permethrin ở những vị trí mà kiến hay tập trung gần người.
Kiến ba khoang tuy ít gây nguy cơ tử vong nhưng nếu chủ quan, nạn nhân cũng sẽ gặp những vết thương đau rát khó chịu, lâu lành và cần nhập viện để bác sĩ kiểm tra. Vì vậy, không nên chủ quan với bất cứ vết thương nào do kiến gây ra.