Nguy cơ tiết trời ngày giáp Tết
Tại tọa đàm chuyên đề “Bệnh hô hấp khi chuyển mùa” do Phòng khám Bác sĩ gia đình trực thuộc đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức ngày 13/01/2018, Ts. Bs. Trần Văn Thi cho biết, đặc điểm thời tiết từ trước Noel cho đến Tết Nguyên đán là khí trời trở lạnh và có sự thay đổi độ ẩm trong không khí. Mùa Xuân cũng là mùa đơm hoa nảy lộc nên phấn hoa sẽ vương vãi nhiều trong không khí. Tất cả những điều này là nguyên nhân gây ra căn bệnh của mùa này: Các bệnh về đường hô hấp.
Trên tổng thể, gây ra bệnh về hô hấp là do 2 nhóm nguyên nhân: Cơ địa và môi trường.
Về cơ địa, tùy vào tình trạng sức khỏe tại từng thời điểm như thế nào, nếu yếu thì các virut khu trú ở phần hô hấp trên sẽ có dịp “quậy phá” và gây ra bệnh về hô hấp. Với nguyên nhân này, bệnh có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong năm.
Về môi trường, sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, độ ô nhiễm trong không khí... là nguyên nhân chính. Phổi là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với môi trường. Không khí lạnh tác động đến cấu trúc và chức năng của phổi, dễ gây ra các bệnh về hô hấp.
Gần Tết ngày nóng, đêm lạnh, sự thay đổi nhiệt độ này dễ kích thích yếu tố gây bệnh đường hô hấp. Cũng trong khoảng thời gian này, ban ngày không khí khô, ban đêm không khí ẩm. Sự thay đổi đột ngột về độ ẩm sẽ tác động đến niêm mạc. Niêm mạc không kịp thích nghi độ ẩm cũng sẽ gây ra bệnh về đường hô hấp.
Mùa xuân là thời điểm đơm hoa nảy lộc cho nên hoa thụ phấn, phấn hoa bay lơ lửng trong không khí, cũng dễ gây ra bệnh hô hấp.
Giáp Tết, công việc cuối năm bận rộn, mọi người thường vội vàng làm việc cuối năm, di chuyển nhiều hơn, hít khói bụi nhiều hơn nên cũng có nguy cơ bệnh về đường hô hấp cao hơn.
Nhận diện và phòng ngừa
Theo Ts. Bs Trần Văn Thi, triệu chứng chung của bệnh hô hấp là ho, khạc đàm, nặng ngực, khó thở. Tuy nhiên, nếu trước đó mà người bệnh có tiếp xúc môi trường khói bụi, môi trường có chất kích thích hay nhiệt độ chênh lệch nóng lạnh… thì dễ chẩn đoán là bệnh hô hấp do mùa. Còn với người đã từng bị bệnh lao chẳng hạn, thì cũng có triệu chứng chung đó, nhưng trước đây đã có và khi bị thì nặng hơn.
Ts. Bs. Trần Văn Thi đang thăm khám một bệnh nhân bị bệnh đường hô hấp. Ảnh Võ Anh Tuấn. |
“Thường thì bệnh hô hấp theo mùa là có thể tự hết. Nhưng nếu ho kéo dài từ 3 tuần đến 3 tháng thì tốt nhất là nên đi khám ở cơ sở y tế.”, chuyên gia khuyến cáo.
Bệnh hô hấp theo mùa thì không lây lan. Nhưng điều kiện gây bệnh là giống nhau đối với những người cùng môi trường sống. Dẫu vậy, việc ngăn ngừa vẫn là cần thiết.
Để tránh bệnh hô hấp theo mùa, Bác sĩ khuyến cáo nên tránh chuyển đột ngột từ môi trường quá nóng sang môi trường quá lạnh. Ra đường trời lạnh thì nên choàng khăn cho ấm cổ để giữ ấm phần hô hấp trên, giúp không khí được sưởi ấm trước khi đi vào phổi. Với môi trường ô nhiễm, khói bụi, phấn hoa phát tán… thì nên đeo khẩu trang. Nếu tiếp xúc với người có triệu chứng về bệnh đường hô hấp thì đeo khẩu trang. Hoặc chỉ đứng ở góc 45 độ chứ không trực diện khi nói chuyện với họ để giảm nguy cơ bị tác động từ nước bọt bắn ra khi nói chuyện.
Nếu có triệu chứng chớm của bệnh đường hô hấp, người bệnh nên uống nước nóng chứ đừng uống nước lạnh, đồng thời khò họng bằng nước muối sinh lý. Bên cạnh đó, nên có lối sống lành mạnh, ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ, tránh hút thuốc lá.
Khi lỡ mắc bệnh hô hấp do chuyển mùa rồi thì chỉ nên nghỉ ngơi, uống nước ấm, không nên lạm dụng kháng sinh. Khi nào sốt quá cao (trên 39 độ) hay khạc đờm có màu đục, có mủ thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám.
“Đối với yếu tố nguyên nhân vật lý thì kháng sinh không có hiệu quả. Nó có thể xảy ra các trình trạng phản ứng phụ của kháng sinh hoặc giúp vi khuẩn kháng thuốc.”, Bác sĩ khuyến cáo.
1.
2.