Trước hết, xin khẳng định đến nay chưa có quốc gia nào công bố chính thức loại 'thẻ chống virus' như một loại dược phẩm có khả năng chống virus gây bệnh xâm nhập.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh do Covid-19 và nỗi sợ hãi của người dân trước dịch bệnh này, những người bán hàng onlien đã quảng cáo rầm rộ một loại thẻ với nhiều tính năng vô cùng cần thiết trong thời điểm nay như Diệt trừ vi khuẩn, virus; Ngăn chặn và vô hiệu hóa mùi hôi, Tránh các bệnh lây nhiễm đường hô hấp,....
"Chỉ cần đeo ở cổ, cài vào quần áo, balô là có thể chống virus corona' - dòng quảng cáo hấp dẫn này đã khiến người tiêu dùng mong muốn được sở hữu một chiếc thẻ thần kỳ như vậy.
Người tiêu dùng đổ xô đi mua, khiến giá thành loại thẻ này tăng lên chóng mặt. Người bán luôn trong tình trạng hiếm hàng, phải đặt trước.
Một chiếc thẻ như thế này được rao bán với giá không rẻ, có nơi lên đến gần 500.000đ/thẻ.
Loại hàng được quảng cáo có xuất xứ từ Nhật, được gọi chung là thẻ ngăn virus, phấn hoa, mùi hôi, khử trùng không gian, tiếng nhật là 空間除菌剤, ウイルスプロテクター. Tất cả các công ty làm ra thẻ này đều quảng cáo là làm từ clo dioxit.
Theo Japan Medical Journal, các chế phẩm clo dioxit có bán trên thị trường có một mức độ hiệu quả khử trùng nhất định trong không gian kín. Tuy nhiên, các loại clo dioxit ở thể di động như loại bút và loại thẻ thì hiệu quả khử trùng không thể được đánh giá. Đặc biệt, tính an toàn của clo dioxit cho cơ thể con người chưa được khẳng định.
Không những không khẳng định hiệu quả của loại thẻ này trong việc chống virus, bệnh đường hô hấp như quảng cáo, các nhà khoa học còn cảnh báo clo dioxide là một chất không được cấp phép, chưa được phân loại là chất khử trùng tại Nhật Bản.
Về tác dụng diệt khuẩn, clo dioxide cho thấy tác dụng diệt khuẩn mạnh hơn natri hypoclorite, nhưng việc sử dụng khí clo dioxide trong không gian kín không được khuyến cáo do nhiễm độc sinh học. Sự an toàn của phơi nhiễm lâu dài ở nồng độ thấp chưa được xác minh.
Một bạn đọc của PLVN đang công tác tại Nhật cho biết, trong những năm gần đây, một số sản phẩm, trên thị trường được quảng cáo có thể ngăn ngừa sự lây truyền vi-rút như cúm, nhưng chưa được Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi phê duyệt như một sản phẩm dược phẩm.
Tại Nhật Bản, một sản phẩm được công nhận có thể ngăn ngừa nhiễm virus, sản phẩm phải được Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi phê duyệt là sản phẩm dược phẩm. "Không có sản phẩm clo dioxide được bán dưới dạng sản phẩm dược phẩm." - nguồn tin khẳng định.
Thậm chí, còn có cảnh báo rằng clo dioxide còn có khả năng gây bỏng hóa chất.
Tại Việt Nam, các bác sỹ truyền nhiễm khuyến cáo, người dân nên bình tĩnh làm theo các khuyến cáo của ngành y tế về cách phòng chống dịch bệnh, không nên tin theo những quảng cáo bán hàng, khiến tiền mất tật mang.
Với loại 'thẻ chống virus' hiện Việt Nam chưa có bất cứ một nghiên cứu nào đề cập đến tác dụng của loại thẻ này trong việc phòng chống virus xâm nhập vào cơ thể con người hay 'giảm tác hại lây truyền' như những quảng cáo của những người bán hàng online.
Để đảm bảo sức khỏe Bộ y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà là biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là .
Rửa tay với xà phòng dưới vòi nước nhiều lần trong ngày sẽ ngăn chặn virus sinh sôi và xâm nhập vào cơ thể.
Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc virus corona - Covid-19- như: sốt cao bất thường, chảy nước mũi, đau đầu, đau họng, tức ngực khó thở cần tới ngay cơ sở y tế để thăm khám và cách ly./.