Tại diễn đàn, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, hiện nay người Việt đã thực hiện mua bán rất nhiều trên sàn TMĐT, các website, đặc biệt là mạng xã hội với hình thức chủ yếu live stream bán hàng. Việc bán hàng online đã trở nên rất dễ dàng, một cửa hàng ở Gia Lai nhưng lives tream bán hàng khắp cả nước, toàn “hàng hiệu giá rẻ” nhưng thực chất là hàng giả.
“Bán hàng theo phương thức truyền thống rất thuận lợi trong kiểm tra và xử phạt, nhưng trên môi trường trực tuyến ngày càng khó khăn trong việc quản lý giám sát” - ông Linh khẳng định. Bởi bản chất TMĐT khác xa thương mại truyền thống và đặc biệt khó khăn trong việc xác định ai bán, ai mua, kho hàng ở đâu, truy xuất hàng hóa thế nào… Chưa kể, phát sinh thêm bên thứ 3 vận chuyển mà nhiều khi đơn vị giao hàng vô tình trở thành kênh tiếp tay cho bán hàng giả, hàng nhái. Và “đặc biệt khó khăn hơn khi phải thừa nhận rằng, tem chống giả cũng đã bị làm giả” - ông Linh nói.
Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 với nhiều hoạt động được triển khai, trong đó đề cập đến hoàn thiện xây dựng chính sách, tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức, nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng (bởi hiện mua sắm online, người tiêu dùng rất yếu thế) và bảo đảm TMĐT hoạt động lành mạnh. Hiện các bộ ngành đang tích cực hoàn thiện chính sách về TMĐT. Và sớm nhất, trong năm 2024, Bộ Công Thương sẽ trình dự thảo sửa đổi nghị định về TMĐT theo hướng phát triển bền vững.
Đáng chú ý, ông Linh cho rằng, đã đến lúc phải bàn đến chế tài xác định danh tính của người tham gia bán hàng trên mạng. Môi trường online phải được đối xử như môi trường truyền thống nhất là trong xu hướng môi trường online sẽ ngày càng sôi động. “2 năm nữa lực lượng QLTT sẽ chủ yếu thực hiện giám sát việc bán hàng hóa trên mạng” - ông Linh nói.
Theo ông Linh, trước xu thế, TMĐT sẽ trở thành kênh mua hàng phổ biến, cần có phương án cụ thể, công nghệ cụ thể để kiểm soát phương thức bán hàng này. “Không thể “tay không bắt giặc” được.” - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nhấn mạnh và khẳng định “muốn chống gian lận trên TMĐT thì bên cạnh việc hoàn thiện chính sách pháp luật cần sử dụng công cụ bằng công nghệ phù hợp, hữu hiệu để định danh được người bán, chứng cứ mua bán...”.
Người đứng đầu lực lượng QLTT kỳ vọng, các công ty công nghệ ở Việt Nam có thể tìm ra công nghệ phù hợp để giúp cơ quan quản lý nhà nước có thêm công cụ hữu hiệu để phòng chống hàng giả, hàng nhái, gian lận trên môi trường TMĐT để kênh bán hàng online không trở thành một nơi mua bán tàng trữ hàng giả, hàng nhái.