Được ưu tiên phát biểu mở đầu phiên khai mạc, đại diện cho cử tri của Đồng Nai –nơi triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế (Cảng HKQT) Long Thành – Đại biểu Dương Trung Quốc tán thành cao độ với tính cấp thiết của việc triển khai dự án.
Tuy nhiên, ông cũng biện hộ cho sự phản ứng trái chiều của dư luận trong thời gian qua. Ông nói: "Chúng ta phải nhận rằng xã đang ở trong tâm thế “hội chứng bất hợp lý”. Từ những đang trải qua, với những dự án đắp chiếu, lãng phí không nhỏ, vì thế, bất cứ dự án nêu ra, người dân đều hỏi có lãng phí không, có lợi ích nhóm không?.
Sự phản ứng của người dân giúp chúng ta nhìn lại, cẩn trọng hơn khi quyết định, nhưng cũng tạo lực cản cho sự phát triển”.
Nói riêng về dự án này, ông cho rằng cần thiết phải nhanh chóng triển khai. Khi tính đến chuyện xây dựng Cảng HKQT Long Thành, cần nhìn đến bài học lịch sử là Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Theo ông, đây là sân bay lớn nhất trong khu vực, nhưng chỉ mấy chục năm, chúng ta đã quy hoạch không phù hợp, thu hẹp như thế này. Cũng vì thế, việc nhìn nhận sân bay Long Thành phải đặt tầm nhìn lâu dài, vượt qua lợi ích trước mắt.
Tán đồng cao với việc xây dựng dự án, nhưng ĐB Dương Trung Quốc cũng góp ý với Chính phủ về quy trình thảo luận.
Ông nói: “Long Thành vốn chỉ là dự án thành phần của quy hoạch tổng thể khu vực kinh tế Nam Bộ. Quy hoạch này đã được triển khai 10 năm qua 2 đời Thủ tướng. Những dự án thành phần khác đã được thực hiện, chỉ vì mức đầu tư lớn mà chúng ta phải đưa ra QH bàn. Theo tôi, lẽ ra việc này phải bàn lâu rồi. Người dân 10 năm nay đã ở trong dự án treo. Việc đưa ra để người dân biết sớm, các tổ chức tham gia phản biện là cần thiết. Nhưng sau gần 10 năm triển khai mới đưa ra bàn, thì quá muộn”.
“Đã gọi là đưa ra QH bàn, QH hoàn toàn có quyền quyết định không làm. Nhưng nếu như vậy, những người dân 10 năm nay đã ở dự án treo sẽ ra sao?”, ông đặt câu hỏi.
“Tôi ủng hộ, nhưng phải lộ trình hợp lý, không để đặt vào tình trạng đã rồi”, ĐB nói thêm.
Đại diện cử tri TP Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Du Lịch phản ánh: “Cử tri TP. HCM ủng hộ quan điểm xây dựng Long Thành. TP. HCM rất bức xúc khi Tân Sơn Nhất quá tải. Sự quá tải là rất nhanh, mà cả vùng kinh tế phía nam sẽ bị ảnh hưởng. Tôi ủng hộ quan điểm xây dựng Cảng HKQT Long Thành”.
ĐB Trần Du Lịch |
ĐB Trần Du Lịch còn nhấn mạnh: “Tôi thấy cần thúc đẩy tiến độ triển khai xây dựng Cảng HKQT Long Thành ở giai đoạn 1. Còn giai đoạn 2, giai đoạn 3 có trung chuyển hay không, thì để sau bàn tiếp. Cần thiết là 5 – 7 năm nữa phải hoàn thành xong sân bay Long Thành”.
Đồng tình với ĐB Dương Trung Quốc, ĐB Trần Du Lịch nhận đinh Cảng HKQT Long Thành là đầu mối của quy hoạch của vùng kinh tế phía Nam. Nếu thay đổi, sẽ phải thay đổi toàn bộ quy hoạch. “Đáng lẽ, việc này phải bàn sớm hơn. Cần phải đóng góp ý từ khâu quy hoạch”, ông nói.
Đại diện cử tri của tỉnh Ninh Thuận, ĐB Nguyễn Sỹ Cương khẳng định việc xây dựng Cảng HKQT Long Thành là một cơ hội. “Một cơ hội mà để bỏ qua sẽ rất tiếc”.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Sỹ Cương cũng đề nghị trong quá trình triển khai dự án, Chính phủ luôn phải điều chỉnh để hợp lý, tiết kiệm. “Tôi đề nghị tiếp tục điều chỉnh để tiết kiệm hơn, nó là một việc làm suốt quá trình triển khai dự án để chống lãng phí”
Chung quan điểm của ĐB Nguyễn Sỹ Cương, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) góp ý cần nghiên cứu xây dựng cơ chế kiểm tra giám sát, để tránh lãng phí. “Nếu đầu tư mới ,mà lãng phí là có tội với dân. Phải cho cử tri tin tưởng, hiệu quả”, ông nhấn mạnh.
ĐB Trần Ngọc Vinh, ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) và nhiều ĐB khác đều nhận định nếu không nhanh chóng triển khai Cảng HKQT Long Thành, sẽ đánh mất “thời cơ vàng” của việc phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) sau khi phân tích tình hình kinh tế, địa lý, xã hội…, còn nhận định: “Cảng HKQT Long Thành là một vị trí trời cho của Việt Nam. Nó sẽ làm thay đổi bản đồ bay của hệ thống Châu Á Thái Bình Dương, biến Việt Nam thành trung tâm trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.”
Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, các ĐB còn đề nghị Chính phủ khi thực hiện dự án Cảng HKQT Long Thành cần lưu ý đến việc bố trí đền bù cho người dân, tạo công ăn việc làm cho người dân có đất thu hồi để làm Dự án.