Thầy trò đều căng thẳng
Một giờ sáng, cô Phương Thanh, giáo viên luyện thi môn Ngữ Văn tại một trung tâm có tiếng ở Long Biên tâm sự áp lực mà cô vừa gặp phải. Một học sinh (HS) lớp 9 trong lớp luyện thi của cô nói không muốn thi do quá mệt mỏi và không thể trụ được trước những áp lực đầu đời. Chỉ còn gần một tuần nữa là đến kì thi chuyển cấp, nhìn bạn bè mỗi ngày luyện 5 - 10 đề, em ấy thấy sợ hãi, không còn tinh thần.
Đó không phải trường hợp cá biệt. Cô Thanh cho biết, từ cuối tháng 5 đến nay, cô thường xuyên phải thức đến 3-4h sáng để trả lời tin nhắn của các HS. Có những em thức thâu đêm để học, chuẩn bị kỳ thi này. “Mỗi khi đến giờ đi ngủ, mình chỉ mong được để điện thoại ở chế độ im lặng, nhưng sợ đấy là lúc các em đang cần mình hỗ trợ gấp. Nhiều hôm ngủ mà cứ giật mình vì tiếng điện thoại kêu, tiếng tin nhắn trên zalo vang lên”.
Sau hai năm học online tại nhà vì dịch COVID-19, rất nhiều em đã bị hổng kiến thức, thậm chí là mất gốc. Đa phần các phụ huynh đều phó mặc việc học hành cho nhà trường, đến khi phát hiện ra điểm kiểm tra, thi cử của các con quá thấp mới bắt đầu hoảng loạn đi tìm cách khắc phục. Chính vì vậy, lượng kiến thức mà các em lẽ ra học trong một đến hai năm THCS giờ đây phải “nhồi nhét” trong vài tháng, cộng thêm việc chạy đuổi với chương trình lớp 9 càng khiến HS và giáo viên rơi vào mệt mỏi, căng thẳng.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, có thể thấy các trường không chuyên trên địa bàn Hà Nội năm nay có tỷ lệ chọi rất cao. Trường THPT Cầu Giấy, với chỉ tiêu tuyển sinh là 720, số hồ sơ nộp nguyện vọng 1 là 1666, tỷ lệ chọi 1/2.46, trường THPT Yên Hòa đứng đầu với 2048 hồ sơ/675 chỉ tiêu, tỷ lệ chọi là 1/3.03. Tiếp nối là THPT Nhân Chính với tỷ lệ chọi là 1/2.53. Những trường kế như THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông), THPT Mỹ Đình, THPT Quang Trung, THPT Phan Đình Phùng lần lượt có tỷ lệ chọi là 1/2.50, 1/2.49, 1/2.39 và 1/2.33.
Các lớp học thêm “đốt lửa ngày đêm”
HS của cô Chu Ngọc Hà chủ yếu theo ban tự nhiên, xuất phát điểm môn văn rất đuối. Cô giáo thường xuyên nhận dạy kèm 1:1 cho những em chỉ còn khoảng 3 - 4 tháng trước khi kì thi diễn ra. Việc cô trò thức thâu đêm, hệ thống kiến thức là chuyện thường xuyên. Thậm chí còn có những bạn học yếu đến mức không viết nổi một câu văn hoàn chỉnh, cô Hà phải “mớm” cho từng chữ một. Cô chia sẻ, bản thân rất muốn các em HS học từ 3-4 buổi/tuần với mình để bù đắp lỗ hổng nhanh chóng, nhưng mỗi ngày ngoài giờ đi học ôn trên trường, các em còn phải chạy đến các lớp học thêm cho vài môn nữa. Có bạn một ngày chủ nhật chạy đến ba lớp học thêm.
Chi phí cho các lớp ôn thi 1:1 thường có học phí rất cao, trên các trang page tìm gia sư của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các bạn sinh viên năm ba, năm tư dạy kèm thường có giá từ 150 - 250 nghìn/1 buổi (khoảng từ 1- 2 tiếng). Đối với các trường hợp hổng kiến thức học phí sẽ cao hơn khoảng 300 nghìn cho một buổi học. Nếu thuê các giáo viên lâu năm có kinh nghiệm ôn thi, học phí lên tới 500 nghìn đến một, hai triệu cho một buổi học. Thậm chí, những giáo viên được cho là “mát tay” trong việc luyện thi, mỗi ca 1:1 như vậy chi phí đến 3-4 triệu/ buổi.
Không chỉ với những HS mất gốc, ngay cả những em có học lực trung bình - khá giỏi cũng đều được phụ huynh đầu tư để kì vọng đạt được kết quả cao nhất trong kì thi. Chị Lan, một phụ huynh có con học cuối cấp tại Trường THCS Nghĩa Tân vừa vội vàng đến đón cháu sau lớp học thêm, tâm sự: con chị học lớp chọn tại trường, gia đình hướng cho cháu thi vào Trường chuyên Sư phạm, chuyên Khoa học Tự nhiên vì cháu có khả năng môn Toán. Mỗi tuần, cháu kín mít lịch học thêm, bố mẹ phải thay phiên nhau đưa đón con. Ngoài ba môn Toán – Văn – Anh để thi các trường không chuyên, con chị còn phải học các lớp ôn thi chuyên, mỗi môn trung bình 2 buổi/tuần. Chị Lan cho biết thêm: “Mỗi trường chuyên sẽ có một dạng đề khác nhau, trước kì thi sẽ có những lớp ôn thi cấp tốc, anh chị cho cháu tham gia, biết thêm chút nào hay chút đó”. Chị Lan chia sẻ thêm, học phí mỗi lớp dao động khoảng từ 200 - 300 nghìn cho một buổi học.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay các sĩ tử 2007 sẽ phải đối diện với rất nhiều thử thách. Con số ngày 24/5 cho thấy, tỷ lệ chọi của 4 trường chuyên của Hà Nội dẫn đầu với Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ có số HS đăng ký nguyện vọng 1 cao nhất - 3.083 em, trong khi chỉ tiêu chỉ ở mức 525, tỷ lệ một chọi 6. Thứ hai là hệ chuyên của Trường Chu Văn An với tỷ lệ chọi là 1/5,58. Tiếp đến là chuyên Amsterdam với tỷ lệ 1/3,6.
Học thêm quá nhiều không phải là điều mới xảy ra trong một vài năm, mà đã có từ trước kia. Nguyễn Hà Trang, một vlog nổi tiếng trên youtube đã chia sẻ kinh nghiệm thi vào lớp chuyên Anh Amsterdam. Bạn đã tham gia rất nhiều lớp học, từ lớp luyện thi chuyên Anh của THPT chuyên Ngoại ngữ kéo dài 3 tiếng mỗi chủ nhật, đến hoàng loạt cái tên nổi tiếng, rồi học cả trên trường và nhà. Chưa kể đến môn Toán, Văn, Hà Trang cũng phải đầu tư học hết. Cô kết thúc bằng một câu: “Nói chung là rất căng thẳng”.
Trong khi đó, phần lớn những HS đỗ các trường chuyên, trường top đầu chia sẻ kinh nghiệm, để đạt điểm cao đến từ chính quyết tâm và niềm yêu thích môn học. Việc học thêm với các bạn chỉ chiếm một phần trong toàn bộ quá trình ôn thi. Nguyễn Hà Trang đã chia sẻ: “Trước khi xác định thi chuyên Anh năm lớp 10, mình đã tự học hết SGK môn Anh lớp 9 rồi”. Bản thân Trang cũng đã tự mua một số quyển sách bài tập tiếng Anh về và tự luyện ngay trước khi bắt đầu bước chân vào các lớp học thêm.
Quang Thắng, cựu HS chuyên toán Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm chia sẻ về việc bạn đã ôn thi một lúc để đỗ cả 2 trường chuyên. Thắng nói bạn ôn thi toán là cả một quá trình, ngay từ khi mới học cấp 2, điểm phẩy toán của bạn chưa bao giờ dưới 9.0 dù bạn không đi học thêm. Đến năm lớp 8 và lớp 9, Thắng chỉ học thêm toán mỗi tuần 1 buổi. Hiện tại Thắng đã ra trường, có một giải 3 quốc gia môn Toán, tuyển thẳng đầu vào Trường Đại học Bách khoa.
TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho rằng: “Tệ nạn dạy thêm tiêu cực đã làm tăng gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình sống ở khu vực đô thị và gia đình cán bộ, công chức; làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của học sinh; làm cho quan hệ đạo đức thầy - trò bị méo mó và nghiêm trọng hơn làm giảm lòng tin của người dân đối với hệ thống giáo dục”.
Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê về mức sống dân cư 2020, trung bình các hộ dân cư phải chi hơn 7,0 triệu đồng cho một thành viên đang đi học, tăng khoảng 7,0% so với năm 2018. Ở thành thị, các hộ chi 10,7 triệu đồng cho một thành viên đi học, gấp 2,1 lần so với mức chi ở nông thôn; nhóm hộ có mức thu nhập cao nhất chi hơn 15,4 triệu đồng/người/12 tháng, tăng 4,7% so với năm 2018.