Áp dụng 2X để chẩn đoán phát hiện lao phổi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong năm 2021, các chiến dịch cộng đồng thuộc dự án USAID Hỗ trợ Chấm dứt Bệnh lao được triển khai tại 7 tỉnh, đã áp dụng Chiến lược 2X gồm sử dụng X-quang ngực và xét nghiệm GeneXpert để chẩn đoán lao hoạt động.
Các bác sĩ sử dụng X-quang ngực trong khám sàng lọc để phát hiện lao phổi. Ảnh: Ngọc Nga
Các bác sĩ sử dụng X-quang ngực trong khám sàng lọc để phát hiện lao phổi. Ảnh: Ngọc Nga

Sử dụng AI hỗ trợ nhằm tăng khả năng phát hiện lao phổi

Bệnh lao hiện vẫn là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 sau COVID-19 trong số các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, bệnh lao có thể chữa khỏi và phòng ngừa được.

Đứng thứ 10 trong số 30 quốc gia có “gánh nặng” bệnh lao cao nhất toàn cầu (các quốc gia chiếm 87% tổng số ca mắc lao mới trên toàn thế giới), Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong thập kỷ qua để giải quyết dịch bệnh, tuy nhiên mức giảm này vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Mỗi năm, ước tính có 170.000 bệnh nhân lao mới, nhưng chỉ có khoảng 100.000 người được điều trị và báo cáo trong hệ thống chương trình chống lao quốc gia. Hiện nay, Chương trình chống lao Quốc gia đang phối hợp cùng với các đối tác trong nước và quốc tế tập trung tăng cường triển khai các hoạt động phát hiện và điều trị nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Thái Bình là 1 trong số 7 tỉnh triển khai các chiến dịch cộng đồng phát hiện chủ động bệnh lao và lao tiềm ẩn cho người tiếp xúc hộ gia đình và người có nguy cơ cao thuộc Dự án USAID Hỗ trợ Chấm dứt Bệnh lao thuộc Tổ chức FHI 360 phối hợp với Chương trình Chống lao Quốc gia, Bệnh viện Phổi Trung ương.

Các chiến dịch cộng đồng áp dụng Chiến lược 2X, trong đó sử dụng X-quang ngực và xét nghiệm GeneXpert (một công cụ phát hiện vi khuẩn lao/lao kháng thuốc nhanh chóng) để chẩn đoán lao hoạt động. Chiến dịch cũng lồng ghép chẩn đoán lao tiềm ẩn để tối ưu hóa nguồn lực.

Kỹ thuật viên thực hiện chụp X-quang khám sàng lọc bệnh lao trên xe lưu động với sự hỗ trợ của AI. Ảnh: Ngọc Nga

Kỹ thuật viên thực hiện chụp X-quang khám sàng lọc bệnh lao trên xe lưu động với sự hỗ trợ của AI. Ảnh: Ngọc Nga

Theo ông Nguyễn Quang Thiều, PGĐ Trung tâm Y tế huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, trước tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, người dân ngại đến các cơ sở y tế để thăm khám, chiến dịch khám phát hiện lao tại cộng đồng giúp người dân tiếp cận dễ dàng, đến khám đông đủ. Chiến dịch tổ chức chương trình truyền thông để người dân biết những triệu chứng về bệnh lao, giúp người dân hiểu bệnh lao là bệnh truyền nhiễm và có thể chữa khỏi.

“Chiến dịch phát hiện chủ động bệnh lao và lao tiềm ẩn tại cộng đồng có rất nhiều ưu điểm, giúp người dân dễ tiếp cận thuận tiện, miễn phí nên người dân tham gia rất nhiều. Chiến lược 2X đã áp dụng là một chiến lược sàng lọc phát hiện lao rất hiệu quả. Chính vì vậy hoạt động này đã góp phần đáng kể vào việc tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và lao tiềm ẩn, đưa người bệnh vào điều trị sớm, cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giảm tỷ lệ mắc lao mới, giảm tỷ lệ tử vọng. Hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại huyện, và góp phần vào mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại tỉnh và toàn quốc”, ông Thiều cho biết.

Cũng theo ông Thiều, hiện chiến dịch phát hiện chủ động ca bệnh lao và lao tiềm ẩn tại cộng đồng mà chúng tôi triển khai đang áp dụng chiến lược 2X, bao gồm: sử dụng X-quang ngực và xét nghiệm GeneXpert để sàng lọc và phát hiện bệnh lao.

Trong chiến dịch, Bệnh viện Phổi tỉnh Thái Bình đã đưa xe X-quang lưu động để thực hiện sàng lọc bệnh lao ngay tại chỗ cho bà con. Đặc biệt, xe X-quang còn được cài đặt phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao chất lượng đọc phim X-quang, góp phần tăng khả năng phát hiện bệnh lao.

“Với các trường hợp có triệu chứng lâm sàng nghi lao hoặc có X-quang bất thường nghi lao, người dân được lấy mẫu đờm (trẻ em thì lấy mẫu phân) ngay trong chiến dịch để làm xét nghiệm Xpert, để phát hiện bệnh lao và lao tiềm ẩn”, ông Thiều cho hay.

Kỹ thuật viên thực hiện tiêm TST để chẩn đoán nhiễm lao cho người tiếp xúc với ca bệnh lao. Sau 2 ngày, người được tiêm đến trạm y tế để nhận kết quả, nếu dương tính, tức là họ đã bị nhiễm lao, thì chỗ tiêm sẽ mẩn đỏ. Ảnh: Ngọc Nga

Kỹ thuật viên thực hiện tiêm TST để chẩn đoán nhiễm lao cho người tiếp xúc với ca bệnh lao. Sau 2 ngày, người được tiêm đến trạm y tế để nhận kết quả, nếu dương tính, tức là họ đã bị nhiễm lao, thì chỗ tiêm sẽ mẩn đỏ. Ảnh: Ngọc Nga

Giúp người dân có thêm kiến thức phòng, chống bệnh lao

Các chiến dịch phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng tiếp cận người dân có nguy cơ cao và người tiếp xúc hộ gia đình với bệnh nhân lao đã góp phần truyền tải các thông điệp liên quan đến phòng, phát hiện bệnh lao. Một trong số những thông điệp đó là ho, sốt và giảm cân là các triệu chứng quan trọng nhất của bệnh lao. Nếu bản thân có bất kỳ một trong các triệu chứng này hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao mắc lao cao, bạn cần phải đến cơ sở y tế gần nhất để khám sàng lọc phát hiện bệnh lao sớm.

Bên cạnh đó, bệnh lao là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng nếu được khám sàng lọc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, bệnh có thể được chữa khỏi.

Bà Bùi Thị Hồ, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Ngọc Nga

Bà Bùi Thị Hồ, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Ngọc Nga

Một trong những người dân tham gia hoạt động sàng lọc phát hiện lao và lao tiềm ẩn trong cộng đồng là bà Bùi Thị Hồ, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Tôi vừa đi chăm chồng tôi đi chữa bệnh lao 4 tháng qua. Vì có chương trình này, nên tôi rất phấn khởi tham gia khám sàng lọc để khỏi lây nhiễm cho các con trong gia đình và cộng đồng. Cũng như nhờ có chương trình mà tôi có thêm kiến thức, để phòng cho con cháu sau này”.

Theo bác sĩ Bùi Huy Hưởng - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Thái Bình, Việt Nam đứng thứ 10 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Tỷ lệ tử vong của bệnh lao chỉ đứng thứ hai trong các bệnh truyền nhiễm, sau COVID-19.

“Nhìn chung người dân còn lo ngại khi đi khám sàng lọc lao đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát. Ngoài ra, có rất nhiều câu hỏi về bệnh lao như bệnh lao có di truyền không? Bệnh lao có chữa khỏi không? Do đó, nếu có bất kỳ triệu chứng lao nào, bà con hãy đến cơ sở y tế để được khám sàng lọc phát hiện bệnh lao. Bệnh lao có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm", bác sĩ Hưởng nói.

Theo thống kê sơ bộ của Dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao trong năm 2021, chụp khoảng 148.000 phim X-quang ngực và phát hiện hơn 10.000 phim X-quang bất thường nghi lao (chiếm 7,4% tổng số) tại 7 tỉnh trên. Những người có phim X-quang bất thường nghi lao được xét nghiệm GeneXpert, qua đó phát hiện hơn 1.700 ca bệnh lao. Dự án cũng đã phát hiện được 669 người nhiễm lao tiềm ẩn. Ước tính mỗi ngày có khoảng 90-300 người dân đến khám sàng lọc lao tại các điểm triển khai chiến dịch.

Đọc thêm