Cảnh báo căn bệnh gây mù lòa ở trẻ sinh non nếu không điều trị sớm

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Bệnh võng mạc có thể gây mù lòa cho trẻ từ rất sớm thường trong vòng 6 tháng đầu đời, nếu trẻ có bệnh mà không được khám sàng lọc, chẩn đoán và điều trị.

Trẻ đẻ non khám bằng đèn soi đáy mắt gián tiếp sau khi tra giãn đồng tử. Ảnh: BVCC
Trẻ đẻ non khám bằng đèn soi đáy mắt gián tiếp sau khi tra giãn đồng tử. Ảnh: BVCC

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh không thể quan sát được bằng mắt thường mà phải được bác sĩ chuyên khoa mắt khám bằng đèn soi đáy mắt gián tiếp sau khi tra giãn đồng tử để quan sát toàn bộ võng mạc thì mới có thể đưa ra kết luận.

Nguyên nhân của bệnh võng mạc trẻ sinh non hiện chưa được xác định. Nhưng trẻ càng nhẹ cân, sinh càng non, tiền sử thở oxy càng kéo dài thì nguy cơ mắc bệnh càng cao và bệnh càng nặng.

Dựa theo mức độ tiến triển, bệnh được chia ra làm 5 giai đoạn. Giai đoạn 1 là khi có một ranh giới mỏng ngăn cách giữa võng mạc bình thường ở phía sau với vùng võng mạc vô mạch; Giai đoạn 2 là ranh giới giữa hai khu vực rộng ra và dày lên thành một cái gờ: Giai đoạn 3 là tăng sinh sợi mạch ngoài võng mạc, mạch máu có thể xuất huyết; Giai đoạn 4 khi các mạch máu bất thường và mô sẹo sẽ làm co kéo võng mạc, dẫn đến bong võng mạc khu trú; Giai đoạn 5 là khi bong võng mạc hoàn toàn, làm giảm thị lực trầm trọng.

Sàng lọc hiệu quả và điều trị sớm là một phương pháp làm giảm nguy cơ mù cho trẻ. Đặc biệt là với những trẻ có tuổi thai khi sinh ≤ 33 tuần và cân nặng khi sinh ≤ 1800g. Với những trẻ có tuổi thai khi sinh > 33 tuần, cân nặng khi sinh > 1800g, nhưng có thêm các yếu tố nguy cơ như suy hô hấp, viêm phổi, thở oxy kéo dài, thiếu máu, nhiễm trùng … cũng cần phải được khám mắt nếu có yêu cầu của bác sĩ sơ sinh (tiêu chuẩn này có thể thay đổi khi hồi sức sơ sinh được cải thiện tốt hơn).

Bệnh võng mạc nếu được chẩn đoán và xử lý kịp thời sẽ có thể ngăn chặn được tiến trình bong võng mạc ở trẻ. Đây là một điều hết sức quan trọng mà các bậc cha mẹ cần phải quan tâm.

Đọc thêm