Theo Bộ Ngoại giao, sáng 21/4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp trực tuyến, thảo luận về vấn đề bảo vệ thường dân bị nạn đói do xung đột.
Tại cuộc họp, Giám đốc Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) Qu Dongyu cho biết, theo Báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực năm 2020, năm 2019 có 135 triệu người tại 55 quốc gia phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại, trong đó 60% là tại các nước có xung đột hoặc bất ổn, đặc biệt là Nam Sudan, Yemen, khu vực Sahel.
Báo cáo cảnh báo triển vọng khủng hoảng lương thực năm 2020 sẽ còn nghiêm trọng hơn do tác động kép của xung đột, thời tiết cực đoan, sâu bọ, khủng hoảng kinh tế, cũng như đại dịch Covid-19.
Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley cảnh báo nguy cơ xảy ra “đại dịch đói” trong năm 2020; cho biết đại dịch Covid-19 sẽ làm tăng gấp đôi số người đối mặt với nguy cơ chết đói trong năm 2020, lên tổng số 265 triệu người.
Ông Jan Egeland - Tổng Thư ký Hội đồng tị nạn Na Uy - kêu gọi các bên xung đột tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ nhân đạo của các tổ chức nhân đạo.
Bộ trưởng Ngoại giao Dominicana - nước Chủ tịch HĐBA tháng 4/2020 - phát biểu nhấn mạnh vấn đề bảo vệ thường dân bị nạn đói do xung đột vũ trang, đặc biệt các nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ, người già, là mối quan tâm của HĐBA, khẳng định cần điều phối các trụ cột hòa bình, an ninh, phát triển, môi trường và viện trợ nhân đạo của LHQ.
Các nước thành viên HĐBA khác đều nhấn mạnh các cuộc xung đột vũ trang gây đình trệ hoạt động sản xuất lương thực, phá hủy cơ sở hạ tầng, dẫn đến người dân mất nhà cửa, gây hệ quả nhân đạo, nạn đói nghiêm trọng; kêu gọi các bên xung đột tuân thủ triệt để luật nhân đạo quốc tế và các nghị quyết liên quan của HĐBA; kêu gọi HĐBA cần đẩy mạnh các nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết xung đột, xây dựng hòa bình bền vững.
Chia sẻ các ý kiến nêu trên, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý kêu gọi HĐBA và các cơ quan trong hệ thống LHQ cần nỗ lực hơn nữa khắc phục “vòng luẩn quẩn” của xung đột và mất an ninh lương thực, nhất là trong bối cảnh nguy cơ cao hơn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Đại sứ nhấn mạnh bên cạnh việc duy trì cam kết viện trợ nhân đạo cho người dân, LHQ và cộng đồng quốc tế cần hợp tác, hỗ trợ các nước khôi phục sau xung đột, cải thiện sinh kế người dân, duy trì nguồn cung cấp lương thực, có giải pháp toàn diện xây dựng hòa bình và bảo đảm an ninh lương thực. Đại sứ cũng cho rằng cần thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của phụ nữ vào quá trình xây dựng hòa bình và bảo đảm an ninh lương thực.