Cảnh báo dị tật nguy hiểm ở trẻ nhưng phát hiện muộn

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Chuyển đến Khoa Phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh, Bệnh viện Việt Đức điều trị mấy ngày nay, cháu Nguyễn Quốc H. (11 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán thận ứ nước.

Bác sĩ thăm khám cho trẻ sau phẫu thuật dị tật bẩm sinh.
Bác sĩ thăm khám cho trẻ sau phẫu thuật dị tật bẩm sinh.

Mẹ của bệnh nhi H., chị Nguyễn Thị Hoa cho biết, 2 tháng gần đây cháu H. thỉnh thoảng kêu đau bụng nhưng chỉ thoáng qua. Sáng dậy đi tiểu cháu đều kêu đau bụng, nhưng sau đó lại hết.

"Cách đây mấy ngày, bé H. bị ngộ độc thực phẩm, nôn, đau bụng, gia đình cho con vào Bệnh viện Bạch Mai khám. Qua chụp chiếu, bác sĩ kết luận bé bị giãn niệu quản và giãn đài bể thận, chuyển cháu đến Bệnh viện Việt Đức theo dõi, điều trị"- chị Hoa kể lại.

Một trường hợp khác là bé Trần H. N. (3 tuổi ở Cao Bằng) vừa nhập viện, đang chờ bác sĩ hội chẩn điều trị. Chị Nguyễn Thị H. mẹ của bé cho biết, N. mắc căn bệnh này từ khi cháu mới sinh ra, chờ con được 1 tuổi cho xuống Hà Nội khám, nhưng do đại dịch COVID-19 nên chị đã hoãn thăm khám cho con.

TS.BS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng Khoa phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh, Bệnh viện Việt Đức cho biết, thận ứ nước là bệnh bẩm sinh, được phát hiện khi còn là bào thai, bệnh gây ảnh hưởng đến chức năng của quả thận, nếu phẫu thuật sớm thì khả năng phục hồi cao, ngược lại can thiệp muộn sẽ làm giảm chức năng thận, có thể dẫn tới suy thận sau này.

"Với bệnh thận ứ nước và dị tật đường tiết niệu, điều trị hoàn toàn bằng phẫu thuật, phẫu thuật sớm bệnh sẽ khỏi và cuộc sống trở lại bình thường. Nếu để lâu, kéo dài, ảnh hưởng đến chức năng của thận và dẫn đến suy thận"- TS. BS Việt Hoa nói.

Thận ứ nước chiếm tỷ lệ 1/6 trong các dị tật ở trẻ em nói chung. Tại Khoa Phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh, tỷ lệ bị dị tật tiết niệu sinh dục chiếm 2/3 tổng số bệnh nhân tới khám; trung bình 1 ngày Khoa mổ 10 ca dị tật tiết niệu sinh dục.

Thận ứ nước diễn biến thầm lặng khiến trẻ nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì vậy cần phát hiện và điều trị sớm từ trước 5 tuổi, có trường hợp phải điều trị từ vài tháng tuổi để tránh các biến chứng từ các đợt nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Trẻ mắc bệnh nếu phẫu thuật thì phục hồi được chức năng của thận, càng để dài thời gian, chức năng thận càng giảm

"Bệnh thường gặp nữa là ẩn một bên tinh hoàn - dị tật rất hay gặp ở trẻ trai và dị tật lỗ tiểu thấp chiếm 1/300 trẻ nam. Trước đây, dị tật ẩn tinh hoàn thường phẫu thuật hạ tinh hoàn cho trẻ sau 18 tháng. Nhưng nếu phẫu thuật muộn tinh hoàn không đúng vị trí sẽ dẫn đến nguy cơ teo tinh hoàn" - BS Hoa thông tin thêm.

Đọc thêm