Cảnh báo hậu họa do tự chế pháo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hành vi tự chế pháo nổ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn có thể gây thương tật, thậm chí đe dọa tính mạng cá nhân. Nhiều trường hợp nhập viện liên quan đến pháo nổ đều ở độ tuổi thanh, thiếu niên.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận nhiều ca nhập viện do tự chế pháo nổ. (Ảnh: BVCC)
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận nhiều ca nhập viện do tự chế pháo nổ. (Ảnh: BVCC)

Hậu quả nặng nề từ pháo tự chế

Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong tuần qua bệnh viện tiếp nhận nhiều ca nhập viện do tự chế pháo nổ. Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân nam ở Nam Định cùng bạn sử dụng pháo và bị nổ ngay khi vẫn đang cầm pháo đốt trên tay. Nam bệnh nhân thứ hai ở Quảng Ninh chuyển tuyến đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng cơ thể nhiều vết thương. Trường hợp thứ ba, bệnh nhi P.T.N 14 tuổi ở Bắc Giang sử dụng pháo và bị tai nạn khi đang cầm trên tay, dẫn đến giập nát bàn tay. Sau tai nạn, bệnh nhân vào bệnh viện tuyến dưới sơ cấp cứu và được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng tiếp nhận nhiều ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ, trong đó nhiều vụ học chế pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng. Điển hình là trường hợp nam sinh 12 tuổi ở Quảng Ninh nhập viện trong tình trạng tay phải giập nát, xương gãy phức tạp nhiều vị trí.

Qua các trường hợp trên, có thể thấy nhiều bệnh nhân đều thuộc độ tuổi thanh, thiếu niên còn đang đi học. Chỉ vì tò mò, nghịch ngợm, các em đã trở thành nạn nhân của tai nạn do pháo nổ và bị thương tổn nặng, để lại di chứng ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt sau này.

Cần quyết liệt ngăn chặn

Theo chuyên gia y tế, các tai nạn do pháo nổ tự chế thường gây hậu quả rất nghiêm trọng. Do tiếp xúc gần nên khi hóa chất phát nổ, nạn nhân dễ bị các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực... Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Hội chứng sóng nổ lớn còn gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay, chân... của nạn nhân và những người xung quanh.

Việc điều trị những tổn thương do pháo nổ tự chế cũng rất khó khăn, tốn nhiều thời gian và thường để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn. Nguy hiểm là vậy nhưng những tai nạn thương tâm do pháo tự chế vẫn tái diễn hàng năm.

Ở độ tuổi mới lớn, các em thường tò mò, thích khám phá, bắt chước trên mạng. Trong khi đó, các clip hướng dẫn chế thuốc, làm pháo nổ xuất hiện tràn lan trên mạng, không dễ ngăn chặn, kiểm soát; nhiên liệu dễ kiếm, có thể đặt mua qua mạng rồi về chế tạo pháo tại nhà. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm tình trạng học sinh, sinh viên tàng trữ, chế tạo pháo diễn biến ngày càng phức tạp. Một nguyên nhân khác là sự thiếu quan tâm, giám sát, quản lý, giáo dục của gia đình đối với con em mình.

Theo cơ quan Công an, qua các vụ tàng trữ, vận chuyển và mua bán, chế tạo pháo nổ trái phép được lực lượng Công an phát hiện, xử lý thời gian qua cho thấy, hầu hết các đối tượng đều là thanh, thiếu niên, học sinh. Do tò mò và muốn có pháo đốt trong dịp Tết nên các em đã lên mạng Internet mua các vật dụng và học cách chế tạo pháo nổ. Để tránh bị phát hiện, các em thường giấu gia đình, thầy cô, người thân để tự làm một mình hoặc rủ bạn cùng làm ở những nơi vắng vẻ hay làm tại nhà khi bố, mẹ đi vắng.

Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ là các hành vi bị nghiêm cấm. Vì vậy, những hành vi chế tạo, hướng dẫn làm pháo nổ diễn ra tràn lan trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật. Để hạn chế tai nạn do pháo, các bậc phụ huynh và nhà trường cần tuyên truyền, giáo dục học sinh chấp hành quy định của pháp luật, không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo. Đặc biệt tuyệt đối không tự chế pháo nổ vì hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn có thể gây thương tật, thậm chí đe dọa tính mạng bản thân.

Đọc thêm