Cảnh báo lỗ hổng an ninh hàng không

Interpol mới tiết lộ con số đáng báo động có thể khiến các nhà quản lý an ninh hàng không “sởn gai ốc”. Số liệu thống kê năm 2010 cho thấy, có khoảng 40.000 người đã di chuyển khắp nơi trên thế giới bằng giấy tờ thất lạc hoặc đánh cắp.

Interpol mới tiết lộ con số đáng báo động có thể khiến các nhà quản lý an ninh hàng không “sởn gai ốc”. Số liệu thống kê năm 2010 cho thấy, có khoảng 40.000 người đã di chuyển khắp nơi trên thế giới bằng giấy tờ thất lạc hoặc đánh cắp.

Hành khách đợi làm thủ tục ở sân bay Munich, Đức.

Telegraph trích lời của giám đốc Interpol Ronald K Noble phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế tại Singapore: “Những tên khủng bố và tội phạm nguy hiểm vẫn tiếp tục di chuyển từ nước này sang nước khác bằng giấy tờ thất lạc, đánh cắp hoặc giả mạo”.

Ông Noble cũng cảnh báo, ngành hàng không cần “đặc biệt chú ý tới việc kiểm soát hộ chiếu bị đánh cắp”, cho biết những  tên tội phạm và khủng bố đi lại rất nhiều và trên diện rộng, chúng sẽ còn tiếp tục sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp và thất lạc để che giấu nhận dạng thực của chúng cho đến khi các cơ quan liên quan và Interpol vào cuộc lấp kẽ hở an ninh hiển hiện này.

Ông cho biết thêm, Interpol tính toán có khoảng 28 triệu hộ chiếu và chứng minh thư bị đánh cắp vẫn đang trong lưu thông. Năm ngoái, 40.000 hành khách đã bị bắt và tịch thu các loại giấy tờ gian lận, số kẻ gian lận này có thể còn cao hơn nếu mỗi hộ chiếu được kiểm tra kỹ và đối chiếu thường xuyên hơn với cơ sở dữ liệu nơi lưu trữ thông tin các giấy tờ bị đánh cắp.

Interpol khuyến cáo  các sân bay cần tăng cường an ninh cho mình, kể cả đối với nhân viên hàng không. Ngoài ra, một số biện pháp được đưa ra như lập ngân hàng hộ chiếu thế giới, xây dựng màng lọc thông tin, hệ thống an ninh dựa trên sinh trắc học cũng được đề xuất.

Mỗi năm vẫn còn khoảng 500 triệu hành khách bay qua bay lại giữa các nước mà không bị kiểm tra. Nếu những kẻ khủng bố có thể di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác mà không bị phát hiện, đó là một nguy cơ cho tất cả các nước. “Đây thực sự là một lỗ hổng an ninh tầm cỡ quốc tế”, ông Noble nhấn mạnh.

Cũng theo Interpol, mục tiêu đầu tiên mà bọn khủng bố nhằm vào là những điểm yếu trong hệ thống an ninh. Do đó mỗi chính phủ, cơ quan quản lý hàng không cần liên tục thay đổi thông số an ninh cơ sở nhất là tại những điểm an ninh nhạy cảm tại sân bay theo chiến thuật tình báo nhận được. Hiện vẫn tồn tại một điểm yếu là các hãng hàng không rất hạn chế chia sẻ thông tin về khách hàng với nhau. Điều này chỉ càng làm tăng nguy cơ các kẻ gian lợi dụng để lọt qua hàng rào an ninh vốn đã không được quản lý chặt chẽ ở mỗi sân bay riêng lẻ chứ đừng nói gì đến hệ thống sân bay quốc tế.

Theo những cảnh báo từ hàng loạt vụ tấn công khủng bố có liên quan đến những sơ hở trong quản lý an ninh hàng không, hiện nay chính phủ Mỹ đang thí điểm một chế độ bảo mật mới sẽ có thể gây phiền toái nhiều hơn đối với các hành khách kể cả những người thuộc nhóm “an toàn”. Hành khách đi máy bay sẽ phải trải qua những thủ tục nhập sân bay rườm rà vì mục đích đảm bảo an ninh chặt chẽ.

“Chúng tôi đang làm việc trong 6 tháng tới để phát triển chương trình cho phép phân biệt giữa những du khách thường xuyên với những người không đi máy bay thường xuyên. Tuy nhiên, không thể có một giải pháp phù hợp với tất cả mọi người”, John Pistole – Chủ tịch cơ quan quản lý an ninh giao thông Mỹ nói.

Chương trình nói trên sẽ cho phép hành khách tình nguyện chia sẻ thông tin bao gồm cả chi tiết lộ trình và các chuyến bay sẽ thường xuyên nhận được chế độ kiểm soát an ninh “nhẹ nhàng hơn” tại sân bay. Trước mắt, có thể những hành khách này sẽ nhận được một số ưu tiên bao gồm việc không phải đi qua nhiều cửa an ninh khác nhau, hoặc  thậm chí được miễn các thủ tục “vặt vãnh” tốn thời gian khác như cởi giày, tháo thắt lưng hay bị yêu cầu lôi máy tính xách tay ra để kiểm tra.

Dự kiến chương trình thử nghiệm có thể bắt đầu trước cuối năm nay tại một số sân bay lớn của Mỹ và sẽ được giới hạn trong những người mang hộ chiếu Mỹ và du khách nội địa.

Thanh Tâm