Cảnh báo nắng nóng làm gia tăng đột quỵ ở người cao tuổi

(PLVN) - Những ngày gần đây, tình hình nắng nóng đã làm gia tăng các ca bệnh bị đột quỵ. Cá biệt có những ca nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sau điều trị vẫn để lại những di chứng nặng nề.
Nhiều ca bị đột quỵ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sau điều trị vẫn để lại di chứng nặng nề.
Nhiều ca bị đột quỵ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sau điều trị vẫn để lại di chứng nặng nề.

Đau đầu, hôn mê nhập viện… phát hiện xuất huyết não

Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thời điểm nắng nóng, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tăng 150% so với bình thường. Trung bình mỗi ngày tại Khoa cấp cứu và đột quỵ tiếp nhận khoảng 30-40 bệnh nhân bị đột quỵ và viêm phổi nhập viện. Trong đó có không ít trường hợp rơi vào tình trạng nguy kịch.

TS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, trong những ngày nắng nóng vừa qua, số lượng bệnh nhân nhập viện vẫn gia tăng. Và hai nhóm bệnh thường gặp là đột quỵ và viêm phổi.

Cụ thể, mới đây, bệnh viện tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân có nền tiền sử là bệnh tăng huyết áp, sau đó vài ngày nắng nóng gần đây thì bệnh nhân đau đầu, sau đó hôn mê. Bệnh nhân được đưa vào viện khi chụp phim thì phát hiện xuất huyết não. Sau khi điều trị đến giờ bệnh nhân cũng bắt đầu tỉnh táo hơn một chút thôi mà gần như là di chứng rất nặng nề, liệt hoàn toàn nửa người một bên, phải thở oxi và ăn qua đường xông dạ dày. Bệnh nhân này có tiền sử tăng huyết áp và đặc biệt, trước khi bị bệnh nhân cũng ra phơi nhiễm với nắng nóng.

BS Thắng cho biết thêm: “Theo nghiên cứu của bệnh viện Lão Khoa một người trên 60 tuổi trung bình mắc trên 3 bệnh mãn tính thì trong đó có thể có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp… Đây là những yếu tố nguy cơ của đột quỵ, bởi nắng nóng có thể làm huyết áp tăng lên sẽ gây ra tắc mạch máu não hoặc làm mạch máu não vỡ gây xuất huyết. Trong khi đái tháo đường sẽ làm cho bệnh nhân mệt mỏi, ăn kém đi gây ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết, làm bệnh nhân dễ rơi vào tình trạng hôn mê”.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ ở người cao tuổi

Với bệnh nhân đột quỵ thời gian “chạy đua” cứu sống bệnh nhân được tính theo từng giờ. Bởi khi bị đột quỵ, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu càng sớm thì tỷ lệ cứu sống càng cao.

Về thời gian vàng cứu sống bệnh nhân đột quỵ BS Thắng cho hay: “Đột quỵ có hai loại là xuất huyết não và nhồi máu não. Với nhồi máu não thời gian vàng sẽ kéo dài tùy theo cái cách xử trí. Nếu xử trí bằng thuốc theo đường tĩnh mạch là 4,5 giờ nhưng mà đương nhiên là càng sớm càng tốt, nhưng cái khoảng thời gian cho phép như vậy. Với cách xử trí thứ hai là nếu như trường hợp mà tổn thương quá lớn thì phải dùng các dụng cụ để đưa vào để lấy cục máu đông ra để thông mạch máu não thì cho phép đến khoảng 6 giờ”.

“Còn đối với xuất huyết não bệnh nhân vào viện càng sớm càng tốt. Bởi vì khi vào viện sớm thì sẽ dự phòng cũng như điều trị được, xử lý được những biến chứng của nó. Nếu bệnh nhân nhập viện muộn có thể làm tăng nặng và nguy hiểm đến tính mạng”, BS Thắng nhấn mạnh.

Nắng nóng dễ dẫn đến đột quỵ ở người cao tuổi.
Nắng nóng dễ dẫn đến đột quỵ ở người cao tuổi. 

Đột quỵ ở người cao tuổi sẽ để lại những hậu quả nặng nề, chính vì vậy việc nắm rõ thời gian vàng để cứu sống người bệnh là một trong những yếu tố quan trọng mà người nhà bệnh nhân cần nắm được. Đặc biệt, cần lưu ý đến những dấu hiệu khi người cao tuổi xuất hiện đột quỵ.

Cũng theo BS Thắng, nhồi máu não hay là xuất huyết não đều có yếu tố nguy cơ giống nhau, có thể là tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc là các bệnh lý khác về tim mạch. Và tỷ lệ 1 bệnh nhân đột quỵ bị nhồi máu não chiếm khoảng 80 - 85%, còn lại thì nó sẽ là 15 -  20 % là xuất huyết não.

“Dù là xuất huyết não hay nhồi máu não thì sẽ có một số các dấu hiệu tương đối như: Bệnh nhân đau đầu dữ dội, xuất hiện co giật, huyết áp tăng rất cao (thường là trên 200), bệnh nhân hôn mê, có biểu hiện nôn, rối loạn nhịp thở. Ở trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết não thì những biểu hiện này sẽ nặng hơn, còn ở trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu não thì những biểu hiện này sẽ nhẹ nhàng, từ từ hơn. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của 2 dạng đột quỵ này là ngang nhau”, BS Thắng thông tin thêm.

Làm sao để ngăn ngừa đột quỵ?

Để giúp người cao tuổi dự phòng đột quỵ và những biến chứng nguy hiểm, Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương lưu ý bệnh nhân:

- Tuyệt đối không nên ra ngoài trời trong những ngày thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời cao không nên ra ngoài trời.

- Đối với những người có bệnh lý nền mãn tính thì cần chủ động kiểm soát tốt các bệnh lý mãn tính của mình bằng việc dùng thuốc và thường xuyên liên lạc với bác sĩ điều trị.

- Ngoài dùng thuốc ra thì ăn uống phải đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng, cung cấp đủ những thức ăn mát ví dụ như rau, củ, quả và uống đủ nước.