Cảnh báo nhiều người tử vong khi vừa sạc điện thoại vừa đeo tai nghe

(PLO) - Tối 5/6, chàng trai ngụ tại quận Thung Song (tỉnh Nakhon Si Thammarat, miền Nam Thái Lan) đã thiệt mạng do bị điện giật khi vừa sạc điện thoại vừa sử dụng tai nghe để nghe nhạc trong lúc đi ngủ. Vụ việc khiến không ít người phải rùng mình và nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội như một lời cảnh tỉnh mọi người về thói quen sử dụng điện thoại mọi lúc, mọi nơi, thậm chí cả khi đang sạc.
Nam thanh niên tử vong vì vừa sạc pin vừa đeo tai nghe
Nam thanh niên tử vong vì vừa sạc pin vừa đeo tai nghe
Tử vong chiếc điện thoại
Theo đó, cảnh sát phát hiện nam thanh niên tử vong khi vẫn đang mặc đồng phục và đeo tai nghe nhạc. Bên cạnh đó là chiếc điện thoại đang được sạc pin. Sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi, cảnh sát phát hiện 2 tai của nạn nhân xuất hiện vệt đen do cháy, bỏng. Kết luận ban đầu là do chập điện đột ngột dẫn đến xung điện thẳng vào tai khiến chàng trai tử vong.
Vụ tai nạn xảy ra sau khi nam sinh đi học về và lấy điện thoại ra giải trí trong lúc chờ cha mẹ nấu cơm. Vào thời điểm đó, ngoài trời mưa rất lớn và có sấm sét. Chỉ sau khi mưa ngớt, cha mẹ chàng trai mới gọi con xuống ăn cơm. Tuy nhiên, khi không thấy trả lời, cha của nạn nhân đã mở cửa vào phòng và bàng hoàng phát hiện con đã nằm bất động từ khi nào. Ngay lập tức, ông đã gọi điện cho cảnh sát và lực lượng y tế. 
Trước đó, năm 2012, anh Kiều Thế Bắc (SN 1992, ngụ Lâm Đồng) cũng tử vong do dây sạc pin hở mạch, quấn vào cổ tay rồi gây ra hiện tượng điện giật. Hay một người làm trong ngành Kiểm toán ở Đà Nẵng cũng bị nổ điện thoại trong tình trạng phần vỏ màn hình của điện thoại đã thủng một góc to bằng ngón tay út, màn hình tinh thể lỏng bị các tia lửa điện phóng làm cháy đen thành 2 vạch lớn. Gần đây nhất, là anh Đoàn Văn Hùng (45 tuổi, ngụ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh) bị bỏng nặng gần như toàn thân khi nghe điện thoại lúc có tia lửa điện phóng xuống... Có thể thấy, rõ ràng đây không phải là lần đầu tiên những tai nạn do cháy, nổ khi vừa sạc vừa nghe điện thoại dẫn đến chết người xảy ra. Tuy nhiên có rất nhiều người vẫn tỏ ra khá dửng dưng trước vấn đề này.
Không nên chủ quan với tính mạng của mình
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, hầu hết mỗi người đều sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại di động, tiện ích của nó chẳng ai có thể phủ nhận nhưng phải chăng đã đến lúc mỗi chúng ta cần rèn cho mình việc sử dụng điện thoại di động một cách đúng đắn và thực sự hiểu biết về nó. Bởi chỉ cần thiếu hiểu biết, những người sử dụng điện thoại di động khi đang sạc pin có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Để tránh nguy hiểm, các chuyên gia khuyến cáo, hãy sử dụng các thiết bị điện thoại của những hãng có thương hiệu, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng phụ kiện (pin, bộ sạc...) kèm theo điện thoại có nguồn gốc rõ ràng, được chính hãng ủy quyền và đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất khi sử dụng. Hạn chế sử dụng điện thoại, các thiết bị điện tử cầm tay (hand-held) khi đang sạc pin. Tốt nhất, người sử dụng nên tắt nguồn điện khi đang sạc pin. Không để các loại máy có nhiều từ trường như: Máy tính, máy nghe nhạc và điện thoại ở gần nhau. Bởi trong quá trình sạc, nếu các linh kiện điện tử không đảm bảo chất lượng, bị hỏng, mạch nguồn có thể bị đánh thủng dẫn tới việc điện áp cao phóng thẳng tới điện thoại liên tục hoặc tức thì gây hỏng điện thoại và giật, gây nguy hiểm cho người sử dụng, nhất là những điện thoại vỏ kim loại.
Việc người sử dụng điện thoại ở Thái Lan bị điện giật có thể do hai nguyên nhân chính: Sử dụng thiết bị khi trời đang sấm sét hoặc sử dụng bộ sạc không an toàn. Các trường hợp này đều góp phần cảnh báo chúng ta không nên sử dụng điện thoại khi có các nguồn điện nạp trực tiếp vào máy hoặc lúc trời có sét.
Ngoài ra, không nên để vật kim loại tiếp xúc với các cực âm, dương của pin. Tránh để pin trong túi lẫn lộn với chìa khoá xe, kẹp giấy, bút có vỏ kim loại... vì pin dễ chập mạch, gây cháy nổ. Để máy ở tình trạng khô ráo, không thấm nước khi khởi động máy để tránh tình trạng chập mạch điện. Không nên bỏ điện thoại trong túi quần, túi áo. Tắt điện thoại ngay khi ở trong khu vực dễ xảy ra cháy nổ như trạm tiếp nhiên liệu, trạm nạp khí hoá lỏng, nhà máy hoá chất... 
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để sở hữu một chiếc điện thoại di động trong thời buổi hiện nay không khó, nhưng cách bạn sử dụng nó như thế nào mới là điều đáng bàn. Hãy xem chiếc điện thoại di động là một người đồng hành chứ đừng để bản thân bị phụ thuộc vào nó. Và trước hết, hãy là một người có hiểu biết, một người sử dụng công nghệ thực sự thông minh. Đừng vì sự thiếu hiểu biết của bản thân mà làm ảnh hưởng tính mạng cũng như tài sản xung quanh bạn. Đừng để bạn là nạn nhân tiếp theo!
Những điều cần chú ý khi đang sạc pin
PGS.TS Nguyễn Trường Luyện (Viện Vật lý kỹ thuật - Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, việc vừa sạc pin vừa nghe điện thoại không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi nghe điện thoại trong trạng thái sạc sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu hơn so với nghe điện thoại ở trạng thái thông thường. Ngoài ra, do tác dụng của sóng cao tần (cỡ 1,8 GHz) phát ra từ điện thoại di động khi thời gian sử dụng kéo dài (vì việc sạc pin thường lâu) đã ảnh hưởng tới não người sử dụng. Bởi vậy, khi sử dụng điện thoại di động thì không nên sử dụng kéo dài, không nên để điện thoại gần những bộ phận nhạy cảm như não, tim... Đặc biệt trong thời gian đầu (khoảng 10 giây từ khi bật điện thoại) vì trong khoảng thời gian này công suất điện thoại di động lớn hơn nhiều ngưỡng an toàn cho phép.
Ngoài ra, các bức xạ của việc sử dụng điện thoại di động sẽ tăng khi pin yếu, hoạt động trong vùng phủ sóng kém. Trong quá trình sạc pin nếu sử dụng điện thoại, các linh kiện bị nóng cũng có thể tăng các bức xạ không tốt cho sức khỏe. Trên thực tế, các hãng sản xuất cũng tuân thủ các quy định về mức độ phơi nhiễm của người với năng lượng sóng vô tuyến nhưng nghe điện thoại nhiều quá trong thời gian dài cũng khiến chúng ta bị mệt mỏi, khó chịu. Và khuyến cáo của các hãng đã chỉ ra chúng ta nên tiếp xúc điện thoại với cơ thể ở khoảng cách an toàn 1,5cm.
Một số vụ tai nạn tương tự trong năm 2014
Ngày 15/6,  tại địa bàn huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), một nhóm em nhỏ đang chăn bò thì trời mưa giông. Trong số đó có một em vẫn đang dùng điện thoại di động thì bất ngờ bị sét đánh trúng khiến tử vong tại chỗ, cac em khác bị thương nặng phải cấp cứu.
Ngày 25/5, trời đổ mưa kèm theo sấm sét. Đang gặt lúa giữa đồng, anh Lò Văn Chung (SN 1983, ngụ đội 8C, xã Thanh Luông, tỉnh Điện Biên) có chuông điện thoại và lấy ra nghe, đã bị một tia sét đánh trực diện khiến anh Chung tử vong tại chỗ, 6 người đang gặt lúa xung quanh cũng đều bị thương.
Ngày 8/4, tại xã Mường Lạn (huyện Mường Ảng, Điện Biên), trong lúc đang trú mưa, chị Lò Thị Thanh (trú bản Lạn 1, xã Mường Lạn) sử dụng điện thoại di động nên đã bị sét đánh trúng, khiến chị và 8 người khác bị thương, phải cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng.

Đọc thêm