Cảnh báo quan niệm sai lầm về cái đẹp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều bạn trẻ hiện nay có suy nghĩ đeo đuổi sự hoàn hảo của vẻ đẹp ngoại hình, bất chấp nguy hiểm tính mạng. Đó là một quan điểm “độc hại” có thể dẫn đến nhiều hậu quả.
Một trường hợp sau phẫu thuật thẩm mỹ được đăng trên mạng. (Ảnh minh họa)
Một trường hợp sau phẫu thuật thẩm mỹ được đăng trên mạng. (Ảnh minh họa)

“Cải tổ” nhan sắc

Minh Tâm (sinh năm 1999) là nhân viên một văn phòng tại TP HCM. Mới đây, Minh Tâm đăng lên mạng một bức ảnh “khoe” vừa mới trải qua một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ và rất hài lòng với kết quả. Trong các bức ảnh cũ là một cô gái rất xinh xắn với đôi mắt một mí, khuôn mặt bầu bĩnh tươi trẻ. Những ảnh sau phẫu thuật cho thấy một gương mặt sắc nét với mắt nhấn to hai mí, cằm nhọn, mũi cao thẳng tắp.

Mặc dù các nét được coi là “chuẩn đẹp” nhưng về tổng thể, gương mặt sau phẫu thuật lại nhận được một số ý kiến bình luận “như ma nơ canh”, thiếu hẳn sức sống, sự sinh động của tuổi trẻ và tiếc nuối cho vẻ đẹp “đơn thuần” trước kia. Trước ý kiến trái chiều, Minh Tâm phản ứng gay gắt, cho rằng mình từng rất tự ti vì ngoại hình “dưới chuẩn” đẹp, phải dành dụm tiền và quyết tâm lắm mới có thể đi “cải tổ” nhan sắc. Không ít bạn trẻ cũng vào bênh vực, cho rằng “ai cũng có quyền phẫu thuật để đẹp lên”.

Tại nhiều hội nhóm chuyên về làm đẹp trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ cũng đăng bài xin góp ý về việc phẫu thuật, chỉnh sửa các bộ phận nào đó của gương mặt. Có những cô gái trẻ vốn đã rất xinh đẹp, dễ thương, nhưng vẫn nhận được không ít lời tư vấn cần nâng chân mày, tiêm môi, tiêm gọn cằm, nhấn mí hay nâng mũi... Thậm chí, có những người chưa đến 30 tuổi đã nhận được lời khuyên cần căng chỉ, nâng da chùng. Tìm hiểu kĩ, hóa ra không ít “nick” tư vấn nhiệt tình lại đến từ các spa, thẩm mỹ viện.

Không thể phủ nhận, công nghệ làm đẹp đã đem đến sự “đổi đời”, thay đổi nhan sắc cho nhiều người. Tuy nhiên, việc “cả xã hội” đeo đuổi cái đẹp ngoại hình cũng gây ra nhiều hệ lụy không nhỏ. Tại Trung Quốc, thời gian qua đã có những cảnh báo về quan niệm đẹp “độc hại” khi các cô gái trẻ phủ nhận vẻ đẹp của mắt một mí và quyết tâm đeo đuổi hình ảnh đôi mắt to tròn. Tương tự, tại Hàn Quốc, nhiều ý kiến từ các chuyên gia xã hội học đã cho rằng, sự lạm dụng phẫu thuật đã khiến một thế hệ trẻ đang mang những khuôn mặt “nhang nhác” giống nhau, mất đi bản sắc riêng của mỗi người.

Đừng lạm dụng

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, thị trường làm đẹp bùng nổ mạnh mẽ với nhu cầu thay đổi ngoại hình ngày càng nhiều và các cơ sở làm đẹp được mở ra ở khắp nơi. Trên đường phố, nơi công cộng đều có thể dễ dàng bắt gặp những gương mặt cô gái trẻ “vô hồn” với cơ mặt xơ cứng do tiêm filler, sống mũi “cao vút”, cằm nhọn hoắt...

Rất nhiều bạn trẻ dẫu sở hữu ngoại hình xinh xắn nhưng vẫn dùng mọi biện pháp làm đẹp để có thể đẹp hơn nữa, bất chấp nguy hiểm. Trong khi đó, nhiều cơ sở làm đẹp cũng chỉ cần lợi nhuận, bất chấp phá vỡ nét đẹp vốn có của khách hàng, không quan tâm đến sự hài hòa của gương mặt, hình thể, tiến hành các biện pháp “cải tổ” theo ý muốn khách hàng, thậm chí tư vấn để “moi tiền” khách. Chính vì thế, nhiều cô gái trẻ đã đánh mất đi nét đẹp trời sinh của mình, để nhận về một nhan sắc được coi là “chuẩn đẹp” thẩm mỹ nhưng na ná nhau, với mắt to tròn do nhấn mí, mũi cao do nâng mũi, răng trắng đều tăm tắp do bọc sứ...

Quan niệm “độc hại” về cái đẹp không chỉ khiến các cô gái mất đi vẻ đẹp sinh động vốn có mà còn dẫn đến nhiều hậu quả cho sức khỏe, tính mạng. Nhiều bạn trẻ “phát cuồng” vì “cơn sốt” làm đẹp nhưng tài chính eo hẹp, đã đánh liều chọn cho mình những cách thức làm đẹp nguy hiểm, từ việc sử dụng dịch vụ làm đẹp của cơ sở hoạt động “chui”, làm dạo, thậm chí mua các dụng cụ, nguyên liệu về nhà từ làm đẹp xâm lấn. Hậu quả là liên tục xảy ra những vụ hoại tử do tự tiêm filler tại nhà, những chiếc mũi bị sưng đỏ, cong vẹo, những đôi mắt bị trợn trừng không khép lại vì hậu quả của cắt mí quá đà, những cuộc cấp cứu nghiêm trọng khiến người làm đẹp đứng giữa lằn ranh sinh tử...

Ngành làm đẹp ra đời là để giúp người ta đẹp hơn, tự tin hơn, sống tốt hơn, đặc biệt đối với những người có khiếm khuyết trên cơ thể. Nhưng, dù như thế nào, mỗi một người cần tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên của bản thân mình, biết yêu chính mình, giúp mình đẹp hơn bằng những chăm sóc sức khỏe, thể thao, bằng vun bồi nội tâm và học vấn. Đó mới là quan điểm làm đẹp tích cực khiến người ta hạnh phúc hơn.