Cảnh báo tình trạng dùng không đúng cách túi thuốc F0

(PLVN) - Việc sử dụng túi thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 (F0) không đúng chỉ định hoặc sử dụng thuốc không đúng sẽ dẫn đến kháng thuốc.
Một quảng cáo rao bán thuốc trên mạng có dấu hiệu bất hợp pháp.

Hiện nay, tại Hà Nội, túi thuốc phát cho F0 đang điều trị tại nhà bao gồm 3 gói A, B, C và sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân. Theo đó, gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Sở Y tế Hà Nội được các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ và cấp phát cho các trung tâm y tế (TTYT) quận/huyện/thị xã 11.700 túi thuốc A.

Gói B bao gồm các loại thuốc kháng viêm và thuốc chống đông. Đây là những loại thuốc đặc trị, phải có ý kiến chỉ định của bác sĩ. Các đơn vị tự chủ động cấp phát gói thuốc này cho bệnh nhân.

Gói thuốc C có thuốc kháng virus Molnupiravir. Quy trình cấp phát thuốc Molnupiravir gồm 4 bước. Sở Y tế lưu ý, trong trường hợp bệnh nhân không dùng hết thuốc hoặc ngừng thuốc vì bất cứ lý do gì thì trả lại thuốc kèm theo “Phiếu xác nhận trả thuốc”, ghi rõ số lượng thuốc còn lại và ký tên vào phiếu.

Sở Y tế đã chuẩn bị 18.875 túi thuốc C và đã cấp phát 12.000 túi thuốc này về các đơn vị để chuyển đến các F0 đang điều trị tại nhà. Trong đó có 10.000 bệnh nhân đủ điều kiện được cấp phát túi thuốc C. Số lượng túi thuốc còn lại sẽ chuyển cho các bệnh nhân trong thời gian tới.

Trả lời báo chí, Giám đốc TTYT quận Đống Đa (TP Hà Nội) Nguyễn Đức Tuấn, cho biết, thuốc kháng virus (gói thuốc C) được quản lý chặt chẽ và số lượng có hạn nên ban đầu ưu tiên sử dụng cho những trường hợp bệnh nhân cao tuổi, bệnh nền để phù hợp với số lượng cũng như đảm bảo việc quản lý thuốc.

Những nhóm đối tượng như người trẻ, có sức khỏe tốt, không có triệu chứng khi mắc COVID-19, hoặc đã tiêm chủng hai liều vaccine phòng COVID-19… không thuộc đối tượng được cấp phát gói thuốc C mà chỉ được cấp phát các thực phẩm chức năng hỗ trợ, nâng cao thể trạng. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định hoặc sử dụng thuốc không đúng sẽ dẫn đến kháng thuốc.

Tại Đống Đa, 100% bệnh nhân F0 điều trị tại nhà được cấp túi thuốc A. TTYT quận cũng đã chuẩn bị các túi thuốc B để khi bệnh nhân có những dấu hiệu sẽ điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với túi thuốc C hiện nguồn cung còn hạn chế, khi có đủ sẽ cấp phát theo đúng chỉ định, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo ông Tuấn, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng, các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị chuyên môn cần chủ động trong mọi tình huống, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh cho các F0 đang điều trị, hỗ trợ F0. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức người dân, không nên chủ quan, lơ là các biện pháp phòng chống dịch.

* Liên quan việc sử dụng thuốc, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng vừa có văn bản yêu cầu tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc điều trị COVID-19.

Hiện nay, thuốc Molnupiravir mới đang được sử dụng trong Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ do Bộ Y tế triển khai, không bán trên thị trường.

Do đó, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc kinh doanh thuốc, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, thông tin quảng cáo thuốc dùng trong phòng, chống COVID-19. Trong đó, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, tăng giá thuốc bất hợp lý.

Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Cục đề nghị các đơn vị gửi báo cáo các kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Cục cũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung thanh tra, kiểm tra thông tin về việc bán thuốc Molnupiravir tại các nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc chưa có giấy phép lưu hành, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và báo cáo về Bộ Y tế ngay khi có kết quả.

Đọc thêm