Cảnh báo từ Hồ sơ Panama

(PLO) -14h hôm qua, ngày 9/5/2016 (giờ Mỹ), tức 2h ngày 10/5 (giờ Việt Nam), Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã hoàn tất việc công bố Hồ sơ Panama dưới dạng cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm được tại địa chỉ https://offshoreleaks.icij.org.

Như vậy, từ thời điểm hiện tại, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận được với những thông tin “gây sốc” toàn thế giới chỉ với những thao tác tương tự như tìm kiếm thông tin trên Google và biết được những ai đứng sau 320.000 công ty hải ngoại.

Riêng độc giả tại Việt Nam có thể truy cập vào địa chỉ Offshore Leaks như đã nói ở trên để tra cứu những cái tên Việt hoặc công ty do người Việt đứng sau. 

Nếu như trong ngày 9/5, dữ liệu tại website cho thấy có 104 cá nhân và tổ chức ở Việt Nam “lọt” vào tài liệu Panama thì đến nay số lượng đã lên tới 189. Phân nửa trong số này là những cái tên “thuần Việt”, còn lại có tên ngoại quốc. Trong số đó có những cái tên doanh nhân, doanh nghiệp khá quen thuộc. 

Cùng với đó, tài liệu này cũng công khai danh tính 23 cá nhân, tổ chức trung gian; 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài và 185 địa chỉ ở Việt Nam (chủ yếu là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Đây chỉ là một phần trong 200.000 doanh nghiệp ở nước ngoài do các cá nhân giàu có trên thế giới lập ra mà ICIJ công bố. 

 

“Cơn địa chấn” mang tên Hồ sơ Panama phanh phui ra “thiên đường trốn thuế” của các nhân vật giàu có và thế lực trên thế giới, đã khiến cả thế giới phải rúng động và hứa hẹn còn nhiều điều thú vị Đối với Việt Nam, “Hồ sơ Panama” cảnh báo điều gì?.

Đó là tình trạng trốn lậu thuế (TLT) đã trở nên nghiêm trọng. Tất nhiên việc TLT bất ở cứ quốc gia nào cũng có. Nhưng, ở những quốc gia mà luật pháp chưa được hoàn chỉnh hoặc thực thi chưa nghiêm, đội ngũ công chức bị thoái hóa thì tình trạng TLT của doanh nghiệp xảy ra một cách thường xuyên và trắng trợn hơn.

Tội phạm trong lĩnh vực thuế hiện nay không chỉ có các phần tử xấu lợi dụng sự thông thoáng của Nhà nước để thành lập doanh nghiệp “ma” hoạt động bất chính, chiếm đoạt tiền của Nhà nước mà nhiều đối tượng còn nghiên cứu để hiểu biết pháp luật, rút tiền của Nhà nước tránh bị phát hiện.

Làm gì để chống TLT trong điều kiện hội nhập? Tất nhiên phải hoàn thiện hệ thống luật pháp về lĩnh vực thuế, nhất là những chính sách “thuế chồng thuế”, tận thu, “triệt hạ” doanh nghiệp chứ không phải “khoan thứ” doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường rà soát, kiểm tra chéo việc thu thuế, thực hiện kiểm tra thuế; phối hợp quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực thuế. Hồ sơ Panama cảnh báo TLT đã trở thành sự móc nối toàn cầu.

Đọc thêm