Cảnh báo về bẫy 'việc nhẹ, lương cao' ở nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Hiện nay, với chính sách nhập cảnh cởi mở, công dân Việt Nam có thể đi lại giữa các nước ASEAN mà không cần thị thực; các đường dây tội phạm đã lợi dụng điều này để đưa công dân ta ra nước ngoài lao động phi pháp.
Các công dân được giải cứu từ Philippines và được đưa về nước. (Ảnh BNG).
Các công dân được giải cứu từ Philippines và được đưa về nước. (Ảnh BNG).

Áp lực lớn đối với công tác bảo hộ công dân

Thời gian qua nổi lên tình trạng công dân Việt Nam di cư trái phép, bị lừa đảo lao động cưỡng bức tại một số nước Đông Nam Á. Thủ đoạn phổ biến của các đường dây này thường là đăng tải thông tin kết bạn trên mạng xã hội, ứng dụng điện thoại phổ biến như Facebook, Wechat, Viber... Sau đó, với chiêu bài quảng cáo “việc nhẹ, lương cao”, chúng lôi kéo, “tuyển dụng” lao động với mức lương hứa hẹn khoảng 800 - 2.000 USD/tháng, chế độ đãi ngộ tốt mà không đòi hỏi trình độ chuyên môn, bằng cấp nào, thậm chí còn sẵn sàng hỗ trợ chi phí, thủ tục nhập cảnh.

Mắc cạm bẫy, ngày càng nhiều công dân Việt Nam xuất cảnh đi làm việc trong các cơ sở đánh bạc/trò chơi trực tuyến tại Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines... Sang đến nơi, người lao động mới nhận ra thực tế không như mong đợi. Họ bị giam giữ, ép buộc làm việc, chủ yếu là lừa đảo qua mạng như dụ dỗ người khác tham gia trò chơi trực tuyến, trò chuyện khiêu dâm. Họ bị mất tự do và buộc phải trả tiền chuộc nếu muốn được thôi việc về nước. Nhiều người bắt đầu cầu cứu người nhà, các cơ quan chức năng để được giúp đỡ đưa về Việt Nam.

Nghiêm trọng hơn, đã có nhiều trường hợp công dân Việt Nam bị đưa tới các địa điểm phức tạp về an ninh ở các khu vực biên giới hoặc tới một số nước mà Việt Nam chưa có cơ quan đại diện ngoại giao. Những người lao động này vừa là nạn nhân, lại vừa thực hiện nhiều hành vi vi phạm, tham gia trực tiếp vào việc lừa đảo người khác ở trong nước...

Trước tình hình phức tạp của nạn lừa đảo lao động ra nước ngoài, Bộ Ngoại giao đề ra phương châm “bảo hộ chủ động, kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả”, phối hợp với cơ quan chức năng các nước giải quyết rất nhiều vụ việc. Mới đây, nhóm 60 công dân Việt Nam đầu tiên trong số 437 công dân Việt Nam được lực lượng chức năng Philippines giải cứu khỏi một sòng bạc gần Thủ đô Manila hôm 4/5 đã được đưa về nước an toàn. Ngoài Philippines, các cơ quan đại diện Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á cũng đã phối hợp với sở tại giải cứu, đưa về nước hơn 400 lao động từ đầu năm đến nay.

Cần vào cuộc quyết liệt hơn để giải quyết tận gốc

Để giải quyết vấn đề công dân bị lừa ra nước ngoài cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân.

Từ góc độ quản lý nhà nước, Bộ Ngoại giao đã báo cáo, tham mưu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng này. Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao liên quan đến tình trạng di cư trái phép và lao động bất hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước trong khu vực theo sát diễn biến, phối hợp với các cơ quan sở tại thống kê số lượng công dân Việt Nam nhập cảnh, làm việc, chủ động lường trước các phương án bảo hộ công dân và tăng cường nắm tình hình thông qua các hội/đoàn người Việt Nam ở sở tại; tăng cường trao đổi với các nước, tổ chức quốc tế về tình hình, đề xuất biện pháp xử lý tình trạng này qua các kênh song phương, đa phương.

Với vai trò chủ trì thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hợp quốc (GCM), Bộ Ngoại giao đã xây dựng Biểu mẫu thống kê số liệu di cư quốc tế, đề nghị các bộ, cơ quan và địa phương rà soát, thống kê để phối hợp theo dõi, quản lý.

Bộ Ngoại giao lưu ý công dân có ý định làm việc ở nước ngoài cần nâng cao cảnh giác trước các lời mời chào ra nước ngoài “việc nhẹ, lương cao”, không mất chi phí đi lại, không đòi hỏi về bằng cấp, ngoại ngữ trên mạng xã hội, kể cả người quen giới thiệu. Tìm hiểu thật kỹ về nơi định đến làm việc, mô tả công việc và các thông tin liên quan; cung cấp thông tin cho người thân về nơi dự kiến làm việc, công việc, người cùng đi... trước khi quyết định xuất cảnh.

Đồng thời, người dân nên lưu và ghi nhớ số điện thoại đường dây nóng bảo hộ công dân của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước mình đến làm việc và số Tổng đài Bảo hộ công dân, chủ động liên hệ ngay khi có vấn đề phát sinh.

Đọc thêm