Chờ tin vui từ lương hưu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ 1/7/2024, cùng với cải cách tiền lương, những thông tin về đề xuất tăng lương hưu đang mang lại niềm hy vọng cho nhiều người về hưu, nhất là những người về hưu trước năm 1995 với mong muốn lương hưu được cải thiện trước sự tăng cao của giá sinh hoạt.
Từ 1/7/2024, cùng với cải cách tiền lương, những thông tin về đề xuất tăng lương hưu đang mang lại niềm hy vọng cho nhiều người về hưu. (Ảnh minh họa - Nguồn: BHXHVN)
Từ 1/7/2024, cùng với cải cách tiền lương, những thông tin về đề xuất tăng lương hưu đang mang lại niềm hy vọng cho nhiều người về hưu. (Ảnh minh họa - Nguồn: BHXHVN)

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, ngày 10/11/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Theo đó, từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Bảo đảm quyền lợi cho người về hưu

Không thể phủ nhận một sự thật rằng, với người về hưu, lương hưu chính là thành phần quan trọng để giúp chi trả cho nhu cầu sống cơ bản. Việt Nam hiện có khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu hàng tháng trên cả nước theo thống kê của BHXH Việt Nam.

Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu. Mức hưởng lương hưu hàng tháng của người về hưu bên cạnh việc tính toán dựa theo tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (tỉ lệ thuận với mức đóng BHXH, thời gian đóng BHXH; mức đóng BHXH càng cao, thời gian đóng BHXH càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn) thì không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để bảo đảm cuộc sống.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trên thông tin truyền thông, ngày 1/7/2024, việc cải cách tiền lương sẽ được triển khai, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Cùng với việc xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023 (theo quy định tại Điều 57 Luật BHXH năm 2014), BHXH Việt Nam đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2024 khoảng 8%. Đề xuất trên căn cứ mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 là 3,25% và tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 5,05%.

Để có đánh giá tác động cải cách tiền lương đối với lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và các đối tượng khác, Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, làm rõ về vấn đề này.

Tính toán đến mức sàn lương hưu

Người về hưu luôn mong muốn lương hưu được cải thiện trước sự tăng cao của giá sinh hoạt. (Ảnh minh họa).

Người về hưu luôn mong muốn lương hưu được cải thiện trước sự tăng cao của giá sinh hoạt. (Ảnh minh họa).

Cùng với việc tăng lương cho công chức, viên chức, những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng rất quan tâm đến mức điều chỉnh lương hưu tới đây.

Theo tính toán của cơ quan BHXH, dự kiến với mức điều chỉnh 8%, 6 tháng cuối năm 2024, kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH từ ngân sách nhà nước tăng khoảng 1.900 tỷ đồng. Trường hợp điều chỉnh bổ sung đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng sau khi điều chỉnh theo mức 8% dưới 3,5 triệu đồng/tháng, thì kinh phí tăng thêm khoảng 50 tỷ đồng. Quỹ BHXH tăng khoảng 6.900 tỷ đồng, chưa bao gồm mức trích đóng BHYT.

Hiện nay ở Việt Nam đang có hai nhóm gồm: một nhóm người về hưu trước 1/1/1995 do ngân sách nhà nước chi trả lương hưu và bù đắp khi tiến hành tăng lương hưu. Nhóm thứ hai là những người về hưu từ 1995 trở về đây do quỹ BHXH chi trả; với nhóm này áp dụng theo nguyên tắc đóng - hưởng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, những người đã có thời gian làm việc, cống hiến trong khu vực Nhà nước giai đoạn trước năm 1995 có mức hưởng thấp hơn so với mặt bằng chung. Thực tiễn thực hiện chính sách BHXH đối với đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 cho thấy, mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng đã được xác định dựa trên thời gian công tác thực tế và mức tiền lương tháng trước khi nghỉ việc của người lao động. Tuy nhiên, với đặc thù của chính sách tiền lương giai đoạn trước năm 1995, cùng với các quy định của pháp luật về BHXH tại thời điểm đó, phần lớn người lao động nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động với thời gian làm việc ngắn và mức tiền lương trước khi nghỉ việc thấp, từ đó ảnh hưởng đến mặt bằng chung về mức hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng của nhóm đối tượng này.

Từ thực tế trên, trong quá trình thực hiện các chính sách cải cách tiền lương, cải cách BHXH từ trước đến nay, các cơ quan chức năng luôn nhấn mạnh quan điểm “quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ”. Do đó, trong ba nhóm đối tượng được đề xuất tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024, Bộ LĐ-TB&XH đều kiến nghị tăng với mức hợp lý nhằm giảm phần chênh lệch giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương, trong đó, nhóm người nghỉ hưu trước năm 1995 cần được hưởng chính sách đặc biệt để nâng mức hưởng lương hưu lên cao hơn nữa.

Khoản 5 Điều 56 Luật BHXH năm 2014 quy định về mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia BHXH bắt buộc là bằng mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng, do đó, mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2024, việc bãi bỏ lương cơ sở đã mở đường cho một cơ chế mới trong việc xác định mức hưởng lương hưu. Chính phủ sẽ có văn bản quy định cụ thể hoặc hướng dẫn cách xác định mức hưởng lương hưu thấp nhất.

Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, cùng với thực hiện cải cách tiền lương của công chức, viên chức, thì mức lương hưu cần tăng tối thiểu đạt 15%, trên tinh thần cân đối hài hòa, không để người hưu trí vẫn gặp phải khó khăn, thiệt thòi sau khi cải cách. Trao đổi với truyền thông, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đã nêu quan điểm mỗi phương án đề xuất của các bên đều dựa trên cơ sở, song ủng hộ mức đề xuất tăng ít nhất 15%.

Theo tính toán của Bộ Nội vụ, tiền lương trung bình của công chức, viên chức khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ cao hơn khoảng 30% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng). Vì thế, bà Hương cho rằng, nếu lương công chức tăng dự kiến 30% thì lương hưu cần tăng ít nhất thêm 15% là hợp lý. “Phương pháp tính lương hưu của chúng ta hiện nay là phương pháp dòng chảy, tức là chi phí để trả cho người hưởng hiện hành thực chất là dựa trên mức đóng của người đang tham gia BHXH hôm nay. Khi điều chỉnh tăng lương thì đồng nghĩa với mức đóng BHXH của những người đang tham gia hiện hành cũng sẽ tăng lên. Đây chính là nguồn đầu vào của quỹ hưu trí”, chuyên gia lí giải.

Theo chuyên gia, bản chất của lương hưu là tổng tiền đóng của hôm nay sẽ dùng để chi trả cho những người đang hưởng lương hưu ở thời điểm hiện tại. Cho nên khi Chính phủ quyết định tăng lương vào ngày 1/7/2024, thì cần điều chỉnh mức tăng cho người về hưu phù hợp, bảo đảm một mức hợp lí so với mức tăng của công chức. Đặc biệt, cần chú ý đến nhóm đang có mức lương hưu thấp.

Thực tế, việc chênh lệch mức hưởng lương hưu giữa các nhóm là khó tránh khỏi, bởi mức hưởng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, do đó nếu cùng nhân với một hệ số điều chỉnh giống nhau thì khoảng cách tạo ra càng lớn. Tức những người có lương hưu cao sẽ nhận mức hưởng càng cao và những người lương hưu thấp sẽ bị điều chỉnh thấp hơn. Vì thế, chuyên gia nêu quan điểm cần xác định “một mức sàn lương hưu tối thiểu” đáp ứng nhu cầu đời sống. Nếu lương hưu thấp hơn mức này, Nhà nước cần điều chỉnh bằng số tiền tuyệt đối thay vì tăng theo tỷ lệ % để bù đắp cho họ. “Cần chia thành các nhóm điều chỉnh lương hưu khác nhau, mục tiêu là bảo đảm cho mọi người đều hưởng lợi từ việc tăng lương này và không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Hương nhấn mạnh.

Còn theo ông Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, hiện nay cả nước có khoảng 2,7 triệu người đang hưởng lương hưu, trong đó, có khoảng 2 triệu người đang hưởng lương hưu thấp. Thời điểm 1/7/2024 tới đây thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới cho những người làm việc trong khu vực công sẽ có tác động làm tăng chi phí cuộc sống lên. Do vậy, cần phải xem xét tăng lương hưu và trợ cấp BHXH, trợ cấp cho người có công lên.

Về việc tăng lương hưu ở mức độ nào cho phù hợp, BHXH Việt Nam đang đề xuất mức tăng khoảng 8%, còn Bộ LĐ-TB&XH và nhiều chuyên gia đề nghị mức cao hơn lên tới 15%. Ông Nghĩa cho rằng cần có tính toán cụ thể và nên tăng theo đối tượng, trong đó ưu tiên cho người đang hưởng mức lương hưu thấp để tăng bảo đảm mức sống trung bình. Luật BHXH đã quy định tiền lương hưu, trợ cấp BHXH phải điều chỉnh để bảo đảm bù lại phần trượt giá. Trong năm 2023, CPI là 3,25%, GDP tăng hơn 5,05% nên cần tính điều chỉnh lương hưu để bảo đảm đời sống, theo ông Nghĩa.

Sau cải cách tiền lương 1/7/2024, sẽ có 9 trường hợp nhận được mức tăng đáng kể, trong đó có nhóm người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng trước ngày 1/1/1995. Các đối tượng quy định tại các điểm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 (căn cứ theo Nghị định 42/2023/NĐ-CP ngày 29/6/2023 điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/7/2024) nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/1995, sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng dưới 3 triệu đồng/tháng...

Đọc thêm