Cảnh báo về loài sâu cực độc, người khỏe mạnh ăn 2-3 con có thể tử vong

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chất độc trong sâu ban miêu mạnh gấp nhiều lần chất diệt cỏ Paraquat. Ăn 2-3 con sâu ban miêu, một người lớn khỏe mạnh có thể tử vong...
Sâu ban miêu là loài sâu cực độc, mạnh gấp nhiều lần chất diệt cỏ Paraquat. Trên thế giới tới nay chưa có phác đồ điều trị có hiệu quả cao, hầu hết các trường hợp ngộ độc sâu ban miêu đều dẫn đến tử vong.
Sâu ban miêu là loài sâu cực độc, mạnh gấp nhiều lần chất diệt cỏ Paraquat. Trên thế giới tới nay chưa có phác đồ điều trị có hiệu quả cao, hầu hết các trường hợp ngộ độc sâu ban miêu đều dẫn đến tử vong.

Thời gian qua, tại nhiều địa phương trên địa bàn cả nước, đặc biệt là các khu vực miền núi xảy ra nhiều vụ ngộ độc thậm chí dẫn đến tử vong do ăn sâu ban miêu.

Sâu ban miêu còn có các tên gọi khác như Ban mao, Ban manh, Sâu đậu, Nguyên thanh... và có tên khoa học là Lytta vesicatoria Fabr, thuộc họ Ban miêu - Meloidae. Đây thực chất là một loài bọ cánh cứng, chứa chất độc Cantharidin- là một hoạt chất cực độc, mạnh gấp nhiều lần chất diệt cỏ Paraquat.

Sâu ban miêu vị cay, tính lạnh, rất độc.

Sâu ban miêu vị cay, tính lạnh, rất độc.

Ts.Bs. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc trung tâm Chống Độc bệnh viện Bạch Mai nhận định: “Chất độc Cantharidin có trong sâu ban miêu là một hoạt chất cực độc, nằm trong nhóm chất độc bảng A. Độc tố Cantharidin gây hủy hoại các tổ chức cơ quan trong cơ thể từ dạ dày, ruột, gan, tim cho đến cơ quan tạo máu. Trên thế giới tới nay chưa có phác đồ điều trị có hiệu quả cao, hầu hết các trường hợp ngộ độc sâu ban miêu đều dẫn đến tử vong”.

Theo Y văn, ăn từ 2-3 con sâu ban miêu, một người lớn khỏe mạnh có thể tử vong. Khi vào cơ thể Cantharidin vô hiệu hóa hàng rào Protein bảo vệ tế bào, thay đổi cấu trúc và làm mất ổn định màng bán thấm của tế bào, dẫn đến tình trạng các tế bào ở các cơ quan trong cơ thể như ruột, gan, cơ, thận, tim bị hủy hoại và chết hàng loạt theo chương trình.

Ở sâu ban miêu, hàm lượng Cantharidin có trong con cái cao gấp 5 -6 lần con đực, lượng độc chất cũng tỷ lệ thuận với số lượng sâu ăn phải, điều này lý giải có những bệnh nhân cùng ăn sâu Ban Miêu nhưng triệu chứng lâm sàng và mức độ nặng có khác nhau.

Về hoàn cảnh và đối tượng ngộ độc, ở các nước châu Âu, đối tượng ngộ độc thường là các động vật ăn cỏ, chúng bị ngộ độc sau khi ăn cỏ có chứa sâu ban miêu đang sinh sống. Ghi nhận hầu hết các con ngựa, bò bị tử vong sau khi ăn cỏ có chứa sâu ban miêu năm 2012 tại Hà Lan và Thuỵ Điển.

Tại các nước Đông Nam Á và Việt Nam, đối tượng ngộ độc có cả con người khi sâu ban miêu được một số đối tượng người dân chế biến làm thức ăn. Điển hình, tháng 6/2022, tại Đô Lương, Nghệ An, một phụ nữ đã tử vong trên đường đến bệnh viện sau khi ăn sâu ban miêu trong bữa trưa cách đó 1 giờ. Tháng 7 năm 2022, tại thành phố Sơn La ghi nhận một trường hợp một bệnh nhân nam 72 tuổi, vào bệnh viện tỉnh Sơn La trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn sâu ban miêu. Mặc dù bệnh nhân đã được Hồi sức tích cực, lọc máu liên tục, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, tuy nhiên bệnh nhân diễn biến nặng nề và đã tử vong sau 2 ngày nhập viện.

Bác sỹ CKII Phạm Văn Thinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai khuyến cáo: “Hiện nay có rất nhiều loại côn trùng trong cơ thể chúng có chứa độc chất, trong đó có sâu ban miêu. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức và hiểu biết nên nhiều người dân vẫn sử dụng các loài côn trùng này chế biến làm thức ăn dẫn đến tình trạng ngộ độc. Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày chúng ta cần hết sức thận trọng trong tiếp xúc, định hướng sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc hoang dã, thiên nhiên. Nhận định sâu ban miêu rất độc, tuyệt đối không sử dụng chúng làm thức ăn dưới mọi hình thức”.