Cảnh báo với thí sinh thi THPT quốc gia 2017

(PLO) - Ông Mai Văn Trinh cho biết nếu TS bỏ một môn thành phần nào đó của bài thi KHTN hoặc KHXH thì môn thi thành phần này sẽ bị điểm 0 (điểm liệt).
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT)

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết theo dự thảo quy chế thi THPT quốc gia 2017, thí sinh (TS) không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Trong trường hợp cần thiết, chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của cán bộ coi thi và phải chịu sự giám sát của cán bộ giám sát; trường hợp cần cấp cứu, việc ra khỏi phòng thi và khu vực thi của TS do trường điểm thi quyết định.

Về quy định TS có thể thi cả hai bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội (KHXH), môn nào điểm cao nhất thì lấy, ông Trinh cho hay quy định này nhằm khuyến khích các TS dự thi thêm các môn, hướng tới học toàn diện, khắc phục dần tình trạng học lệch. Việc lấy điểm bài thi cao hơn để xét công nhận tốt nghiệp THPT là để đảm bảo quyền lợi cho TS.  

Nếu TS bỏ không làm một môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp thì có bị phạm quy hay không? Ông Mai Văn Trinh cho biết nếu TS bỏ một môn thành phần nào đó của bài thi KHTN hoặc KHXH thì môn thi thành phần này sẽ bị điểm 0 (điểm liệt). “Nếu TS đăng ký thi bài thi tổ hợp này để xét công nhận tốt nghiệp thì dẫn đến TS không đủ điều kiện để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đối với TS đã tốt nghiệp THPT ở những năm trước, dự thi kỳ thi này với mục đích lấy kết quả để xét tuyển sinh ĐH-CĐ thì TS phải dự thi các bài thi và các môn thành phần của bài thi KHTN hay KHXH phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH-CĐ”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Điểm mới nhất của dự thảo Quy chế tuyển sinh 2017 là giảm tỷ trọng xét tuyển các khối thi truyền thống. Theo đó, Bộ GD-ĐT quy định những trường sử dụng tổ hợp các môn thi/bài thi mới ngoài các khối thi truyền thống (khối thi mà trường đã sử dụng từ năm 2014 trở về trước) để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 25% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các khối thi truyền thống, quy định này chỉ thực hiện trong năm 2017. Trong khi đó, theo quy chế tuyển sinh 2016, tỷ trọng này là 50/50.

Dù chưa đưa vào dự thảo Quy chế tuyển sinh nhưng Bộ GD-ĐT cũng đưa ra ý tưởng các trường lấy kết quả thi THPT quốc gia sẽ tham gia chung một phần mềm xét tuyển.

Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho rằng Bộ đã đổi mới thì phải hơn cái cũ, đừng tụt lùi. Những năm trước Bộ đưa ra nhiều quy định làm phức tạp hóa vấn đề. Bộ GD-ĐT không biết có quản lý được không khi chung một phần mềm xét tuyển?. Dữ liệu của hàng triệu thí sinh, Bộ không nên ôm đồm những thứ quá sức mình. Bộ đang khuyến khích các trường tự chủ, trong đó có cả tự chủ tuyển sinh, vì vậy Bộ phải làm thế nào để đơn giản hóa các quy định. Cũng theo ông Hóa, khâu thi Bộ  đã giao cho các Sở GD-ĐT làm thì khâu xét tuyển cũng để các trường tự làm.  

Thế nhưng, PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ cho rằng việc xét tuyển chung một phần mềm không giới hạn quyền tự chủ của trường nào. Đây chỉ là giải pháp đưa dữ liệu của thí sinh vào để loại thí sinh ảo. Bộ cũng cho phép các trường tham gia hay không tham gia phần mềm này, không bắt buộc. Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng bộ chỉ nên khuyến cáo các trường có phần mềm đó, còn tham gia hay không là quyền của mỗi trường. 

Đọc thêm