[links()]Chúng ta có nhiều di sản được thế giới công nhận. Thêm danh không có nghĩa công tác bảo tồn di sản đã làm tốt. Thế nên nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam vẫn canh cánh một nỗi lo về việc chúng ta đã và đang tiếp nhận, ứng xử như thế nào với những giá trị văn hóa từ quá khứ, về những mặt trái của danh hiệu.
Di sản trước nguy cơ “hiện đại hóa”
Có những giá trị di sản văn hóa phi vật thể đang dần bị mai một do sự thiếu ý thức, trách nhiệm, sự hiểu biết và cái tâm bảo tồn của cộng đồng, của những nhà quản lý. Có lẽ muốn “cứu” di sản mà giai đoạn 2012-2020, có tới 12 “ứng cử viên” phi vật thể sáng giá sẽ tiếp tục được lựa chọn cùng lúc để trình lên.
Cùng lúc xuất hiện quan ngại rằng, sẽ nảy sinh cuộc đua giữa các địa phương, khi địa phương nào cũng muốn mình là nơi sở hữu di sản. Tuy nhiên, được công nhận, tôn vinh là một chuyện nhưng gìn giữ, bảo tồn, phát huy hiệu quả di sản ấy hay không lại là chuyện khác.
Di sản của ông cha ta là vô cùng quý giá và đồng hành với tất cả các thế hệ. Nhưng ai gìn giữ di sản?. Câu hỏi này tưởng đơn giản nhưng lại rất phức tạp khi rất nhiều người nghĩ di sản là…con gà đẻ trứng vàng. Rất nhiều di sản được UNESCO công nhận đã thu hút lượng khách lớn kéo theo giá trị kinh tế.
Du lịch biến một số loại hình văn hóa thành hàng hóa đơn thuần vì mục đích kinh tế. Chủ yếu, người dân cũng như các nhà quản lý nghĩ di sản phải gắn với phát triển du lịch, phát triển du lịch phải nâng cấp di sản, có quy mô hoành tráng. Lợi nhuận kinh tế đã biến di sản bị méo mó.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia- Giám đốc Trung tâm di sản các nhà khoa học cho biết: “Lên đời” di sản hay sân khấu hóa di sản văn hóa truyền thống hiện nay đã tác động trực tiếp hủy hoại, làm sai lệch bản chất di sản, nhất là với di sản phi vật thể.
Hiện nay cũng có những nhận thức sai lệch trong vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong một bộ phận nhà quản lý văn hóa. Ví dụ di sản hát Xoan (Phú Thọ) vừa qua có sự cải biên, tạo thành một kiểu gọi là hát Xoan mới pha lẫn với hát Chèo ngay trong chương trình tôn vinh di sản này tại Phú Thọ; hàng ngàn người cùng hát Quan họ để lập kỷ lục trong Hội Lim (Bắc Ninh)...
Nhiều không gian hoạt động tại di sản văn hóa, không gian lễ hội bị phá vỡ, hoặc thu hẹp lại (đình, chùa bị phá hoại trong chiến tranh, các con đường hành lễ, các địa điểm sinh hoạt lễ hội, không gian văn hóa bị chia cắt do việc xây dựng mở mang các đô thị, khu công nghiệp…).
Thế hệ trẻ ngày càng ít quan tâm và không còn muốn sống trong những môi trường truyền thống, môi trường sống tại các đô thị hiện đại có lực hấp dẫn mạnh mẽ đối với họ. Con người ngày càng muốn sống trong các điều kiện hiện đại, có đầy đủ tiện nghi hơn, vì vậy di sản văn hóa luôn đứng trước nguy cơ bị cải biến theo hướng hiện đại.
Cần phát huy Luật di sản
Hơn bao giờ hết, những cơ quan quản lý địa phương có di sản cần cố gắng ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng xâm phạm môi trường cảnh quan di tích trên phạm vi cả nước, không để di tích bị xâm phạm thêm nữa; tiếp đến từng bước giải quyết việc vi phạm không gian di tích theo trình tự ưu tiên căn cứ vào mức độ giá trị của di tích và khả năng đầu tư của ngân sách nhà nước và quỹ đất để giải tỏa vi phạm.
Theo quan điểm đó, trên thực tế sẽ tùy từng di tích cụ thể để đề ra phương án phù hợp nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường di tích một cách khả thi. Đối với các di sản thế giới và các di tích cấp quốc gia đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư kinh phí để đảm bảo có môi trường cảnh quan tốt ở cả khu vực bảo vệ và khu vực đệm của di sản.
Về mặt tình trạng bảo tồn, di sản văn hóa vật thể không chỉ chịu tác động mạnh mẽ của các yếu tố tự nhiên và xã hội từ bên ngoài, mà bản thân nó ngay sau khi ra đời/tu bổ đã bắt đầu một quá trình xuống cấp. Di sản văn hóa phi vật thể còn mong manh hơn vì bản chất của nó là luôn luôn thay đổi và phát triển. Do vậy, chúng ta phải có những cơ chế thích hợp cho việc bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ các di sản vật thể và việc ghi chép lưu trữ di sản văn hóa phi vật thể cũng phải được làm thường xuyên, định kỳ.
Đối với các loại hình nghệ thuật được xếp hạng di sản phi vật thể của nhân loại như Ca trù, Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Hát Xoan… khi được UNESCO công nhận ngoài ý nghĩa tôn vinh còn ngầm cảnh báo về nguy cơ biến mất vĩnh viễn.
Vì thế muốn bảo tồn trước hết chúng ta phải chăm lo cho những nghệ nhân - báu vật nhân văn sống- người lưu giữ và sẽ truyền dạy, phát triển di sản cho các thế hệ sau. Nếu không họ ra đi cũng có nghĩa là di sản bị thất truyền. Không chỉ có các nghệ nhân mà những người theo học, làm nhiệm vụ duy trì và phát triển di sản cũng phải có môi trường tốt để để tồn tại và nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường tổ chức phổ biến, tuyên truyền vận động thực hiện Lụật di sản văn hóa, để Luật đi vào cuộc sống và có hiệu lực trong thực tế, nhằm ngăn chặn việc vi phạm di sản, giữ nguyên hiện trạng của di sản, không để di sản tiếp tục bị xâm phạm, xuống cấp thêm nữa. Các di sản sẽ không thể tồn tại và sống lâu, sống khỏe nếu như không được quan tâm chăm chút thường xuyên và đúng cách.
Thùy Dương