"Người dơi" luồn từ tum
Ngày 26/10, Thiếu tá Luyện Huy Hoàng, Đội phó Đội CSHS - CAQ Thanh Xuân cho biết, cơ quan CSĐT - CAQ Thanh Xuân đã quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Chính (SN 1990, ngụ phố Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) để điều tra làm rõ hành vi trộm cắp tài sản.
Nguyễn Văn Chính có dáng người cao, gầy, với “biệt tài” leo trèo ở mọi địa hình. 3h sáng 30/9, Chính lợi dụng trời tối trèo tường leo lên tum một ngôi nhà trong ngõ 262B, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân nấp ở đó.
13h cùng ngày, khi biết trong nhà không còn ai, Chính luồn từ tum xuống các tầng lục lọi, lấy trộm 2 máy ảnh kỹ thuật số; 3 chiếc đồng hồ đeo tay; 2 nhẫn kim cương, 1 dây chuyền vàng trắng và 1 máy tính xách tay nhãn hiệu HP. Toàn bộ số tài sản trên Chính cho vào túi nilon, mang lên tầng tum tiếp tục ẩn nấp, chờ đến 19h cùng ngày mới trèo xuống đường tẩu thoát.
Sau khi bị bắt, Chính khai ngoài vụ trộm trên còn trực tiếp gây ra 3 vụ khác trên địa bàn quận Thanh Xuân với thủ đoạn tương tự. Giữa tháng 8/2016, Chính đột nhập một nhà dân ở ngõ 55/38 phố Chính Kinh, phường Nhân Chính, lấy trộm 2 nhẫn vàng, 1 máy tính bảng Samsung và 1 máy tính xách tay nhãn hiệu Dell.
Đến ngày 24/8, Chính đột nhập một ngôi nhà ở ngõ 55 phố Chính Kinh, phường Nhân Chính trộm cắp 1 con lợn tiết kiệm bên trong có 30 triệu đồng, 1 lắc vàng, 1 dây chuyền vàng và 2 nhẫn vàng.
Ngày 1/9, Chính đột nhập một nhà dân ở cùng ngõ này, lục tủ lấy trộm 30 triệu đồng và 1 máy tính xách tay nhãn hiệu Dell.
Phân tích các vụ trộm cắp tài sản nhà dân, cảnh sát thấy thủ đoạn chung của tội phạm là lợi dụng sơ hở của người dân để đột nhập trộm tài sản. Tuy nhiên, việc tội phạm lẻn vào nhà dân rồi ẩn nấp, chờ thời cơ hoạt động thì mới xuất hiện gần đây.
Khi trao đổi với nạn nhân các vụ trộm, cơ quan công an đều nhận được câu trả lời do chủ nhà sơ hở, chủ quan, quên không khóa cửa, cổng, tum và các cửa thông tầng….
Ngoài những vụ trộm vừa được CAQ Thanh Xuân khám phá, trước đây đã có một số vụ kẻ gian lẻn vào nhà dân và chọn khu vực chăn nuôi gia súc hay những xó xỉnh tối tăm để ẩn nấp, chờ gia chủ tắt đèn lên giường ngủ say hoặc rời khỏi nhà mới ra tay hành động. Đã từng xảy ra một số vụ kẻ gian sau khi nấp trong nhà bị người dân phát hiện, từ đó dẫn đến các vụ án mạng dã man.
Nâng cao ý thức phòng ngừa tội phạm
Theo Thiếu tá Luyện Huy Hoàng, kẻ gian thường nghiên cứu kỹ địa hình các ngõ ngách, nhà cửa của người dân mà chúng nhằm vào đột nhập gây án. Khi phát hiện được gia đình nào mất cảnh giác, các đối tượng lên kế hoạch và chờ đêm xuống đột nhập vào bên trong qua cửa tum hoặc ban công, cửa sổ, lỗ thoáng… gia chủ “quên” không khóa, chốt từ bên trong và tìm nơi ẩn nấp. Chờ khi gia chủ đi vắng hoặc đã ngủ say, chúng ra ngoài khoắng sạch đồ đạc rồi tẩu thoát.
“Không thể giải thích quên không khóa, cài chốt cửa để biện minh cho sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của những gia đình bị trộm đột nhập”, Trung tá Mai Văn Thuần nhấn mạnh và cho rằng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, cần nhất là ý thức tự phòng ngừa tội phạm phải được nâng lên.
Cơ quan công an khuyến cáo các hộ dân, trước khi đi ngủ phải kiểm tra các cửa chính, cửa sổ, cửa thông gió và thường xuyên gia cố, sửa chữa lại khóa, chốt, bản lề cửa bị hư hỏng.
Bên cạnh đó, các gia đình cần chú ý làm chấn song sắt bằng loại thép tốt, chống được kìm cộng lực ở các cửa sổ, ô thoáng, lỗ thông gió. Nếu có điều kiện nên lắp đặt hệ thống camera, còi báo động, đèn chống trộm ở những vị trí trọng yếu, dễ quan sát đối tượng bên ngoài.
Khi phát hiện trộm đột nhập, cần bình tĩnh tìm biện pháp đảm bảo an toàn cho bản thân và những người trong gia đình, đồng thời tìm cách liên lạc với cơ quan công an nơi gần nhất.
“Cũng cần đẩy mạnh phong trào tự quản trong nhân dân tại các tổ dân phố, khu dân cư, cùng giúp nhau bảo vệ tài sản, đặc biệt đối với các hộ gia đình thường xuyên đi vắng, không có người trông nhà ban ngày cũng như ban đêm”, Trung tá Mai Văn Thuần, Đội trưởng Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS - CATP Hà Nội nhấn mạnh.
Theo An ninh thủ đô