Cảnh giác với bệnh lý phổ biến ở người lớn tuổi, âm thầm gây tai biến

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hẹp động mạch cảnh là bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt là ở những người già lớn tuổi hoặc có bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, sử dụng thuốc lá, rượu bia…. Bệnh thường diễn biến âm thầm và đến khi phải nhập viện thì thường đã xuất hiện đột quỵ.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trước khi ra viện. Ảnh: Minh Quyết
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trước khi ra viện. Ảnh: Minh Quyết

Đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Những người thoát khỏi tử vong, thường để lại di chứng nặng nề cả về thể xác, tâm thần cũng như gánh nặng cho gia đình và xã hội… Phần lớn các trường hợp đột quỵ não là do nhồi máu não, trong đó có nguyên nhân hẹp động mạch cảnh do xơ vữa. Để dự phòng, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị người bệnh đột quỵ não cần có sự phối hợp đa chuyên khoa.

Theo TS.BS Ngô Gia Khánh, Trưởng Khoa Phẫu thuật Lồng ngực và Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai, hẹp động mạch cảnh là bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt là ở những người già lớn tuổi hoặc có bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, sử dụng thuốc lá, rượu bia…. Bệnh thường diễn biến âm thầm và đến khi phải nhập viện thì thường đã xuất hiện đột quỵ. Tùy từng mức độ, giai đoạn bệnh mà có phương pháp điều trị phù hợp. Nếu ở giai đoạn nhẹ thì chỉ cần điều trị nội khoa, uống thuốc và theo dõi thường xuyên. Giai đoạn tối cấp hay cấp tính sẽ điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyế hoặc lấy huyết khối cơ học.

Để xử lý mảng xơ vữa động mạch cảnh (giai đoạn bán cấp và mạn tính) có 2 phương pháp là nong đặt stent và phẫu thuật để bóc mảng xơ vữa. Theo khuyến cáo, phương pháp phẫu thuật bóc lớp nội mạc gây xơ vữa được ưu tiên chỉ định trong điều trị xơ vữa động mạch cảnh. Phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ mảng xơ vữa là nguyên nhân gây hẹp mạch cảnh ở người bệnh.

Điển hình như một ca bệnh hẹp động mạch cảnh được phẫu thuật thành công tại Khoa Phẫu thuật Lồng ngực và mạch máu là một bệnh nhân 65 tuổi có tiền sử huyết áp cao, mỡ máu và đã xuất hiện cơn đột quỵ thoáng qua cách đây 3 năm, không để lại di chứng gì. Thời gian gần đây, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt nhiều hơn nên đã đi khám tại Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai và được phát hiện hẹp động mạch cảnh hai bên.

“Đây là trường hợp đại diện cho rất nhiều trường hợp khác, tình trạng xơ vữa động mạch cảnh tiến triển thầm lặng, không có triệu chứng. Khi phát hiện, cả hai bên động mạch cảnh đã hẹp trên 90%, nếu không được xử lý sớm thì sẽ gây đột quỵ bất cứ lúc nào”, bác sĩ Khánh nhấn mạnh.

Bệnh nhân đã được phẫu thuật, loại bỏ mảng xơ xữa mạch cảnh bên trái, hiện sức khỏe đã ổn định và được ra viện, hẹn 2 tuần sau đến để thực hiện phẫu thuật tiếp bên phải.

Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, với người bệnh có nguy cơ cao (người cao tuổi hoặc tiền sử bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu..) thì cần tầm soát bệnh lý động mạch cảnh để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, cần duy trì lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, tập thể dục, tuân thủ chế độ điều trị và đơn thuốc của bác sĩ, đồng thời theo dõi, kiểm tra định kỳ để phòng ngừa bệnh tái phát.

Trong 3 năm qua, từ 2021 - 2023, Khoa Phẫu thuật Lồng ngực và Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai đã phẫu thuật cho 200 bệnh nhân được chẩn đoán hẹp động mạch cảnh. Theo số liệu thống kê, độ tuổi trung bình của các bệnh nhân là 70 tuổi, trong đó nam chiếm tỷ lệ cao hơn nữ, 80% so với 20%.

Báo cáo cũng cho thấy các bệnh lý phối hợp gồm: Tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu…. Các bệnh nhân này cũng có các bệnh mạch máu phối hợp như bệnh mạch vành, bệnh động mạch chi dưới, bệnh động mạch thân, bệnh động mạch chủ. Báo cáo cũng ghi nhận trong số 200 bệnh nhân có 65% bệnh nhân nhập viện có triệu chứng tai biến mạch não và tai biến thoáng qua, 35% không có triệu chứng gì.

Đọc thêm