Cảnh giác với biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vụ tai nạn đau lòng xảy ra ngày 24/10 tại địa điểm “du lịch xanh” có tiếng Làng Cù Lần ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng khiến nhiều người giật mình đặt câu hỏi lẽ nào biến đổi khí hậu lại nguy hiểm đến vậy, “du lịch xanh” lại rủi ro đến vậy?
Một góc làng Cù Lần (Lạc Dương, Lâm Đồng).
Một góc làng Cù Lần (Lạc Dương, Lâm Đồng).

Khí hậu, thời tiết khi xảy ra vụ việc ở địa điểm xe gặp nạn khá thuận lợi. Nhưng những người trong cuộc đã không lường trước được lũ quét bất ngờ như thế nào. Khi 4 du khách Hàn Quốc khá cao tuổi (đều gần 70 tuổi) đang ngồi trên xe UAZ đi dọc suối cạn thì nước thượng nguồn đổ về khiến xe bị lật úp. Hậu quả của lũ ống bất ngờ làm 4 du khách Hàn Quốc tử vong. Tài xế chiếc xe sống sót, bơi được vào bờ.

Với miền núi, khi có mưa ở thượng nguồn lớn, nước đổ về nhiều; ở các điểm co thắt không tiêu nước kịp làm cho nước dâng nhanh ở phía trên và tạo dòng chảy xiết ở phía dưới eo co thắt, sinh ra lũ ống. Đó là một hiện tượng tự nhiên. Tuy nhiên, dưới góc độ bền vững, thì lũ quét có thể còn nguyên nhân tác động của con người như phá rừng, đầu tư xây dựng, san lấp... làm ảnh hưởng dòng chảy. Dưới góc độ làm du lịch, đặc biệt “du lịch xanh”, phải lường trước được những tình huống xấu như vậy có thể xảy ra.

Vụ việc làm chúng ta nghĩ đến biến đổi khí hậu, vấn đề cấp bách của toàn cầu hiện nay. Liên Hợp quốc, các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước và Việt Nam, hiện đang có những nỗ lực toàn cầu để thích ứng, giảm thiểu hậu quả từ biến đổi khí hậu. Vụ tai nạn đau lòng ở Lâm Đồng một lần nữa cảnh báo, nhắc nhở mọi tổ chức, cá nhân phải cảnh giác trước những nguy cơ từ biến đổi khí hậu, phải thay đổi hành vi vì không gian sống, vì phát triển bền vững.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và phát triển kinh tế xanh: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Thực hiện Nghị quyết, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình hành động cũng đã được ban hành.

“Nếu vaccine là giải pháp cho đại dịch thì năng lượng xanh, hydro xanh chính là giải pháp cho ứng phó với biến đổi khí hậu”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà mới đây khẳng định như vậy tại Diễn đàn cửa ngõ toàn cầu do Liên minh Châu Âu (EU) tổ chức tại Brussels (Vương quốc Bỉ). Để phát triển cần năng lượng, nhưng năng lượng xanh, hydro xanh là nguồn năng lượng khả thi để cải tạo môi trường sống, không gian sống. Trong những nỗ lực chung, cần phải có sự chung sức đồng lòng của người dân, các địa phương, DN, thay đổi từ những hành vi hàng ngày với môi trường.

Đọc thêm