Cảnh giác với đặc sản quê... ngoài phố

(PLO) - Tết Nguyên đán đang ngày càng đến gần. Đây cũng là dịp những đặc sản quê đua nhau lên phố. Tuy nhiên, không ít người đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để bán những sản phẩm đội lốt thịt trâu gác bếp, thịt lợn Mường… làm ảnh hưởng đến hình ảnh đặc sản vùng miền, đồng thời gây cho người dùng những bức xúc không đáng có.

Thịt trâu gác bếp,lợn Mán được bày bán dưới lòng đường, vỉa hè.
Thịt trâu gác bếp,lợn Mán được bày bán dưới lòng đường, vỉa hè.
Đặc sản quê lên phố đắt hàng
Những đặc sản vùng cao như thịt lợn đen gác bếp, thịt lợn Mường Mai Châu, bò sấy khô, thịt trâu gác bếp hay lạp xưởng hun khói có giá từ 500.000 — 1,5 triệu đồng/kg hiện đang được các bà nội trợ tìm mua. Thịt trâu gác bếp dao động 800.000 — 1.300 000 đồng/kg đang trong tình trạng khan hàng. Chưa đến tết nhưng rất nhiều người đã đặt hàng, chủ yếu là khách quen từ những năm trước. 
Rút kinh nghiệm những năm trước, nay năm anh Lê bắt tay vào làm hàng sớm nên anh đã nhận đơn từ thời điểm trước Tết Dương lịch. Bên cạnh các mặt hàng sấy khô, anh Lê bán thêm những loại như lợn Mường nguyên con hoặc bán theo từng kilôgam (lợn đen với giá 200.000 đồng/kg), mật ong, cá đồ lá chuối, cơm lam, rượu cần. Tuy nhiên, thịt lợn Mường và thịt trâu, bò sấy khô vẫn là sản phẩm được khách hàng chuộng nhất.  
Chị Hường, một dân buôn thịt trâu gác bếp cho biết: Tâm lý e ngại người mua dè dặt trong chi tiêu nên phần lớn nguồn cung đã giữ nguyên giá, thậm chí một số nguồn đã hạ thấp giá thành các loại thịt trâu gác bếp, thịt lợn Mường. Bên cạnh những dân buôn, nhiều người có quê ở vùng cao đã móc nối với các nguồn buôn bán ở quê như Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Mai Châu để bán thịt trâu, thịt lợn rừng với giá “mềm” hy vọng kiếm thêm nguồn và có dịp quảng bá cho quê hương.
Thịt trâu gác bếp.
Thịt trâu gác bếp. 
Nguyễn Lê Phương Thảo, (Hà Giang) - nhân viên công ty truyền thông ở Hà Nội đã tận dụng thời gian hai ngày nghỉ cuối tuần đi giao thịt trâu gác bếp và thịt lợn rừng đến tận nhà khách hàng. Thảo chia sẻ: Do ở nhà có chú làm quán bán đặc sản trâu sấy khô và lợn rừng nên nghĩ ra hướng kinh doanh đem đặc sản xuống Hà Nội bán kiếm thêm nguồn thu. Mỗi kilôgam thịt trâu khô Thảo bán với giá 900.000 đồng nhưng là thịt trâu chuẩn, thịt lợn rừng 190.000 đồng/kg. Sau 3 tháng kinh doanh, cô gái miền cao đã bán được gần 100kg thịt trâu khô và gần 10 con lợn rừng. Khách hàng của Thảo chủ yếu là những người quen, khách hàng cùng công ty và một số khách trên trang facebook.
Cảnh giác với  đặc sản “rởm”
Nhớ lại tết năm 2012 khi mua thịt trâu gác bếp bị lừa thịt lợn hun,  tẩm, anh Lê Nguyên (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: “Đợt tết năm 2012 người mua thịt trâu gác bếp đông lắm. Tôi nhớ, hôm đó là ngày ông Công ông Táo nên lượng khách đông, tôi phải xếp hàng để mua nhưng vẫn không mua được. Sau cùng tôi gọi cho một địa chỉ tìm trên mạng mua qua trực tuyến với  giá 2 triệu đồng/kg thịt trâu gác bếp. Sau buổi tối, đem về anh em nhắm rượu thì thấy là lạ, mùi không giống mùi thịt trâu hun khói nên đã thái cả miếng ra ngâm vào rượu một lúc và biết đó là thịt lợn sề tẩm gia vị”. 
Cùng chung cảnh ngộ, chị Hoàng Thị Vân (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, Tết năm ngoái chị lên trang facebook tìm hàng thịt lợn Mường Mai Châu để mua ăn tết. Chị Vân vào facebook tìm vào hội những người Mai Châu, Hòa Bình và hội những người buôn bán thịt trâu gác bếp với hy vọng tìm được hàng thật từ những người gốc Mai Châu. Tuy nhiên, chị Vân bị một vố lừa mất hơn 5 triệu đồng và nghe lời chào hàng từ người mạo danh sinh viên để bán thịt lợn rởm. Thịt lợn thì đúng là lợn rừng nhưng không phải lợn Mường đen. 
“Nhiều người cứ nghĩ lợn rừng với lợn Mường đen giống nhau nhưng thực tế nó chỉ giống về ngoại hình. Lợn Mường đen có mõm nhọn, khi ăn có vị dai, ngọt rất đặc trưng. Tôi đã ăn thịt lợn rừng rất nhiều lần nên không quên được mùi vị của nó” — chị Vân khẳng định. Theo chị Vân, thịt lợn Mường đen khi nấu lên thịt trông vẫn có chút hồng, ăn không dai mà có vị ngọt của thịt. 
Để đảm bảo không rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang” mọi người nên cảnh giác với những sản phẩm được bày bán không rõ nguồn gốc xuất xứ, bày bán tràn lan trên các trang mạng, ven đường. Người tiêu dùng nên tìm đến những địa chỉ tin cậy, quen thuộc và đặc biệt nên kiểm tra hàng trước khi nhận để đảm bảo không bị lừa hoặc không mua phải những đặc sản rởm, pha trộn. 
Với những người mua lần đầu nên tìm hiểu rõ ngọn nguồn, thông tin về sản phẩm trước khi mua. Bên cạnh đó, người mua có thể tìm hiểu qua những người thân quen để biết thêm về sản phẩm, tránh sự lợi dụng lòng tin từ những kẻ xấu để bán hàng không đúng sản phẩm, không  đảm bảo chất lượng./.

Đọc thêm