Cảnh giác với hệ lụy pháp lý phía sau “những lời yêu”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tình trạng xâm hại tình dục trong những năm gần đây ngày càng tăng cả về mức độ nghiêm trọng và sự tinh vi. Đáng lo ngại thêm là một số đối tượng đã lợi dụng việc tố cáo hành vi xâm hại để tống tiền người khác.
Bác sĩ của Trung tâm Pháp y Hà Nội khám, tư vấn cho một nạn nhân của “tình yêu trên mạng”. (Nguồn ảnh: TTPYHN)
Bác sĩ của Trung tâm Pháp y Hà Nội khám, tư vấn cho một nạn nhân của “tình yêu trên mạng”. (Nguồn ảnh: TTPYHN)

Rắc rối từ những mối “quan hệ tình cảm”

Không ít người đã phải tìm đến văn phòng luật sư nhờ “gỡ” các tình huống pháp lý nghiêm trọng, có nguyên nhân ban đầu từ những mối “quan hệ tình cảm”. Tại một văn phòng luật sư, có khách hàng kể về trường hợp của mình: “Tôi là người có vợ rồi nhưng tôi có quan hệ tình cảm với một cô gái. Tôi chấm dứt mối quan hệ với người này nhưng bị người này đe dọa và yêu cầu phải đưa 50 triệu đồng, nếu không sẽ gửi những hình ảnh, clip thân mật của chúng tôi cho vợ tôi. Tôi không biết làm thế nào nên đã đưa cho cô ta 50 triệu đồng rồi. Nhưng 6 tháng sau, cô ta quay lại yêu cầu tôi đưa thêm 20 triệu đồng nữa. Tôi không biết phải làm gì vì chắc chắn, đây sẽ không phải là lần đòi tiền cuối cùng của cô ta...”.

Một khách hàng khác kể về mối tình đồng giới của mình: “Cách đây mấy tháng, tôi có quen một người qua facebook, người đó nói cần tiền, muốn quan hệ đồng tính để lấy tiền, tôi gặp người đó hai lần và đều trả tiền sòng phẳng. Nhưng sau hơn 1 tháng, người đó nhắn tin uy hiếp tôi để lấy tiền, tôi muốn yên ổn nên đưa tổng cộng hơn 800 triệu, đồng thời yêu cầu viết giấy cam kết không làm phiền tôi nữa và lăn vân tay nhưng được hơn 10 ngày người này lại nhắn tin đòi tôi 1,5 tỷ. Tôi không có tiền đưa. Tôi rất sợ người này sẽ manh động hại đến uy tín hoặc tính mạng của tôi nếu không được đáp ứng yêu cầu...”.

Trung tâm Pháp y Hà Nội hàng năm đều thực hiện khám giám định từ 200 -300 vụ án xâm hại tình dục, trong đó nhiều vụ có hiện tượng đối tượng lợi dụng việc tố cáo hành vi xâm hại trên để tống tiền người khác. Đơn cử như câu chuyện của cô gái tên T. Theo diễn tiến vụ việc, do điều kiện kinh tế khó khăn, cần tiền để chi trả, chị T. đã lên mạng xã hội tìm kiếm người môi giới bán trinh tiết cho người có nhu cầu. Từ sự kết nối của người môi giới, chị T. đã đạt được thỏa thuận với người mua và tiền hoa hồng môi giới. Sau khi việc “mua bán” diễn ra, chị T. hỏi người mua trả tiền thì được đáp là đã trả cả cho người môi giới, chị T. phải lấy tiền ở chỗ môi giới.

Nhưng sau đó, chị T. không liên lạc được với người môi giới vì người này đã tắt mọi kênh thông tin và chị T. cũng không biết địa chỉ nơi ở của người này. Còn người mua, sau một thời gian đã yêu cầu chị T. phải đưa anh ta một khoản tiền, nếu không sẽ tung lên mạng những hình ảnh, clip lần hai người “mua bán”. Bức xúc, chị T. trình báo cơ quan chức năng và được giám định để lập hồ sơ vụ việc.

Nâng cao cảnh giác

Qua những câu chuyện trên đây có thể thấy, phía sau “những lời yêu” trong nhiều trường hợp là các hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm cả hành vi uy hiếp tống tiền, cần bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nhận diện rõ “chân tướng” của hành vi này và nắm được các quy định pháp luật điều chỉnh.

Trước hết, cần hiểu hành vi đe dọa tống tiền là những hành vi sử dụng các phương tiện, cách thức khác nhau để uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản hoặc bằng những thủ đoạn đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo sợ mà phải giao tài sản cho người phạm tội. Các hành vi đe dọa tống tiền thường gặp như: sử dụng clip “nóng”, hình ảnh nhạy cảm của người bị đe dọa để bắt người đó phải làm một việc hoặc giao một khoản tiền, một tài sản... Khi thực hiện hành vi đe dọa tống tiền thì chủ thể hành vi đó đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ và hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Cưỡng đoạt tài sản”...

Từ góc độ của cơ quan giám định pháp y, Thạc sĩ, bác sĩ, giám định viên Trịnh Xuân Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y Hà Nội đặc biệt lưu ý người dân cần nâng cao cảnh giác tránh bị vướng vào pháp luật, nhất là với những đối tượng là người mới quen. Theo ông Trịnh Xuân Hà, qua các vụ việc Trung tâm tiếp nhận, có thể nhận thấy một số “kịch bản” như: thứ nhất là làm quen với nhau, sau đó giả vờ chấp thuận cho “quan hệ” rồi đe dọa tống tiền, khi không đạt được mục đích thì đến các cơ quan điều tra tố cáo là bị xâm hại. Theo ông Hà, các đối tượng này (có thể là trẻ em, trẻ vị thành niên) thường có người đứng sau chỉ đạo, hướng dẫn và họ cũng thường chọn các đối tượng có tiền… để thực hiện hành vi.

“Kịch bản” thứ hai là như câu chuyện của cô gái tên T. nói trên, vì cả tin hoặc vì các tính toán cá nhân nào đó, thực hiện hành vi “quan hệ” với người mới quen, sau đó “mất cả chì lẫn chài”, trở thành nạn nhân bị tống tiền với lời đe dọa hình ảnh, clip thân mật sẽ bị gửi đến cơ quan, gia đình hay tung lên mạng...

Theo lưu ý của ông Trịnh Xuân Hà, vì đã có sẵn mục đích xấu nên các đối tượng này khi thực hiện hành vi “quan hệ” với “con mồi” thường cho phép không dùng biện pháp bảo vệ như bao cao su hay các biện pháp khác, để khi đến cơ quan giám định dễ dàng thu được dấu vết tinh dịch, tinh trùng và AND trên cơ thể mình hoặc trên quần áo. Thậm chí một số đối tượng còn biết cách bảo quản lưu trữ dấu vết rất cẩn thận nhằm mục đích đe dọa tống tiền, khi không đạt được mục đích thì đến các cơ quan điều tra tố cáo là bị xâm hại.

“Do đó, mong người dân, nhất là các bạn trẻ cần nâng cao cảnh giác tránh bị vướng vào pháp luật, nhất là với những đối tượng là người mới quen”, ông Hà nhấn mạnh, “vì thực tế cho thấy các thủ đoạn tống tiền nói chung và “núp bóng quan hệ tình cảm” nói riêng gây áp lực rất lớn về tinh thần của nạn nhân vì làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ xã hội khác như các mối quan hệ kinh doanh..., để buộc nạn nhân phải giao toàn bộ tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt theo đòi hỏi mà người phạm tội đưa ra, kèm với việc dùng thủ đoạn đó. Khi bị đe dọa tống tiền, cần bình tĩnh, kiểm tra tính xác thực về việc người tống tiền; khôn khéo thương lượng, dùng kế hoãn binh và trình báo cơ quan công an càng sớm càng tốt để bảo đảm sự an toàn và quyền lợi cho mình”.

Đọc thêm