Cảnh giác với những bệnh giao mùa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trời mưa lạnh rét buốt - đau khớp lại trở thành nỗi ám ảnh của mọi người, đặc biệt ở người cao tuổi. Đau đầu do thay đổi thời tiết với những cơn đau có khi âm ỉ, tê buốt hoặc đau dữ dội, choáng váng, lan xuống cả hốc mắt, mũi… Những cơn đau tấn công dồn dập với mức độ nặng hơn ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống người bệnh.

Viêm khớp có thể gây tàn phế

Viêm khớp (đau khớp) không phải là một bệnh mà là một thuật ngữ dùng để chỉ triệu chứng của bệnh liên quan tới khớp xương. Trong đó, khớp là vị trí nối giữa hai hoặc nhiều xương với nhau, chẳng hạn như ở cổ tay, đốt ngón tay, hông, đầu gối và mắt cá chân. Có hơn 100 loại viêm khớp khác nhau (có rất nhiều nguyên nhân gây đau khớp) trong đó, phổ biến nhất là thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp.

Theo thống kê của y khoa, các bệnh viêm khớp là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế cho con người, tiếp theo là các vấn đề về lưng và cột sống. Bệnh thường gặp nhất ở người trên 65 tuổi, nhưng nó cũng có thể phát triển ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Trong đó, phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới và những người thừa cân.

Như nhiều dạng khác của viêm xương khớp, trong đó thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp có nhiều triệu chứng tương tự nhau. Những triệu chứng đó bao gồm: đau và sưng khớp; vận động bị giới hạn; cảm giác ấm và đau ở những vùng bị ảnh hưởng; độ cứng của các khớp xương bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, vẫn có các triệu chứng đặc trưng từng bệnh, bao gồm:Những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp, Gút có thể thấy khớp sưng nóng, tràn dịch khớp gây đau, hạn chế vận động nhiều;Những người bị thoái hóa khớp thường không có triệu chứng trên toàn cơ thể, nhưng lại có triệu chứng là đau ở các mảnh nhỏ của xương trên các khớp xương bị ảnh hưởng.

Mặc dù đau khớp mùa lạnh có thể gặp ở cả trẻ em nhưng người cao tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn hầu hết là do ảnh hưởng của các rối loạn chuyển hóa và tích tụ các chấn thương kéo dài. Trong đó, bệnh gây ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới.

Bên cạnh đó, đau khớp mùa lạnh dễ xuất hiện ở những người phải lao động nặng, ngồi lâu trong một tư thế, vận động sai tư thế, người bị chấn thương tại khớp có thể gây ra viêm khớp cấp tính ngay lúc đó hoặc tăng nguy cơ viêm khớp sau này; người mắc bệnh thừa cân làm tăng sức ép lên các khớp từ đó gây các bệnh viêm khớp hoặc đẩy nhanh quá trình viêm đã có sẵn tại khớp; người mắc các rối loạn trao đổi chất ảnh hưởng đến sự nuôi dưỡng các thành phần của khớp và xuất hiện các thành phần bất thường trong khớp; người mắc các bệnh hệ thống miễn dịch và một số rối loạn di truyền.

Sự thay đổi thời tiết càng làm co cơ, co mạch máu, giảm lượng máu đến khớp dẫn đến tăng cảm giác đau khớp. Người cao tuổi, nhất là người yếu khi gặp thời tiết thay đổi đã không thích ứng kịp thì rất dễ dẫn đến tai biến, tử vong.

Việc chăm sóc khớp vào mùa lạnh đúng cách có ý nghĩa quan trọng, những biện pháp sau đây giúp bệnh nhân viêm khớp bảo vệ xương khớp hiệu quả trong mùa lạnh.

Theo các chuyên gia y tế, người dân cần uống đủ nước. Nước chiếm 70% thành phần của sụn và duy trì sự trơn tru giữa 2 đầu xương, bên cạnh đó nước còn giúp máu lưu thông tốt để nuôi các mô sụn. Tuy nhiên, vào mùa đông hầu hết mọi người “lười” uống nước khiến bệnh xương khớp thường gia tăng thời điểm này. Do đó, cần tích cực bổ sung nước vào cơ thể để ngăn ngừa đau khớp trong mùa lạnh

Chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung thêm các dưỡng chất trong các bữa ăn. Để hạn chế tình trạng viêm, người mắc đau khớp cần ăn các thực phẩm giàu axit béo omega 3, các loại rau xanh, hoa quả chứa nhiều vitamin C, vitamin D nhằm hạn chế, ngăn ngừa sự mất sụn và giảm đau ở người già hiệu quả.

Thời tiết lạnh khiến một số người ít vận động và lười tập luyện thể dục dẫn đến các khớp bị đau, sưng viêm… Tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn sẽ giúp bôi trơn các xương khớp để ngăn chặn các cơn đau nhức khớp. Khi bị đau nhức kéo dài người bệnh cũng nên đi kiểm tra xác định nguyên nhân gây tổn thương để có biện pháp điều trị thích hợp.

Đau nửa đầu nguy cơ tai biến mạch máu não

Khi thời tiết thay đổi bất thường, nắng nóng, mưa lạnh đột ngột, nhiều người hay gặp phải các cơn đau đầu, đau nửa đầu từ nhẹ đến dữ dội. Tuy nhiên, rất ít người tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng ngừa, cải thiện khiến bệnh ngày một nặng thêm, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ tai biến mạch máu não, đe dọa tính mạng khó lường.

Dưới tác động của các yếu tố căng thẳng và thời tiết, người bị đau đầu thường rơi vào trạng thái mất ngủ kéo dài triền miên. Bên cạnh đó, càng mất ngủ thì “nạn nhân” càng rơi vào trạng thái đau đầu, đau nửa đầu dai dẳng. Đặc biệt là những người đang làm công việc “bàn giấy”, văn phòng, những cơn đau đầu lúc dữ dội, lúc âm ỉ có thể khiến cơ thể mệt mỏi, vật vờ, choáng váng, làm mất tập trung và giảm năng suất làm việc rõ rệt.

Đau đầu do thay đổi thời tiết sẽ có điểm chung là cơn đau có khi âm ỉ, tê buốt hoặc đau dữ dội, choáng váng, lan xuống cả hốc mắt, mũi. Trên cơ sở nghiên cứu sinh học phân tử, các nhà khoa học chỉ ra đau đầu, mất ngủ và các tổn thương mạch máu có liên quan chặt chẽ đến yếu tố gọi là gốc tự do, gây ra hàng loạt các bệnh lý như đau đầu, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, thoái hóa thần kinh (như Alzheimer)... và đặc biệt là đột quỵ - căn bệnh nguy hiểm đang khiến 50% trường hợp tử vong và 50% bại liệt, tổn thương não vĩnh viễn. Vì vậy, không nên lơ là bỏ qua các cơn đau do thời tiết vì có thể đó là “báo động đỏ” bệnh não nguy hiểm.

Theo các chuyên gia y tế, 3 sai lầm cần tránh ngay khi bị đau đầu do thời tiết. Đó là, lơ là, bỏ qua: Đau đầu do thời tiết gây khó chịu, phiền toái nhưng tâm lý chung của nhiều người là chủ quan, chưa nhận thức đúng mức độ nguy hiểm của bệnh. Nhiều người hay cố gắng chịu đựng và nghĩ cơn đau sẽ hết khi thời tiết bớt khắc nghiệt. Tuy nhiên, cơn đau sẽ tăng nặng hơn khi quay lại và tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ khó lường, đe dọa tính mạng.

Đánh cảm (cạo gió), bấm huyệt, xoa dầu nóng, xoa bóp: Nhiều người khi bị đau đầu thường dùng đồ bạc đánh gió vùng trán, hai bên đầu hay xức dầu, uống trà nóng, xông tinh dầu… Những cách này có thể giúp người bệnh có cảm giác dễ chịu hơn nhưng chỉ là tác dụng tạm thời, không hiệu quả khi đau đầu kéo dài, đặc biệt không thể can thiệp sâu khi những mạch máu não đã bị tổn thương, không giúp cải thiện được cơn đau đầu mà nguy cơ đột quỵ còn rình rập. Tự cạo gió hoặc bấm huyệt, xoa bóp còn có nguy cơ day ấn vào chính mạch máu đang tổn thương, gây xuất huyết trong, tạo thành cục máu đông (huyết khối) gây tắc nghẽn hoặc vỡ mạch, đột quỵ.

Lạm dụng thuốc giảm đau nhanh: Hiện nay rất dễ dàng để mua 1 loại thuốc đau đầu mà người dùng không chắc về cơ chế giảm đau và các tác dụng phụ. Trong khi đó, chỉ số ít trường hợp đau đầu được chỉ định dùng thuốc giảm đau hàng ngày. Còn lại, không nên lạm dụng thuốc giảm đau bởi sẽ gây tác dụng ngược khiến cơn đau dần trở thành đau đầu mạn tính, và cơ thể phải chịu đựng những tác dụng phụ nguy hiểm như viêm loét dạ dày, tổn thương gan thận…

Đặc biệt, các cách can thiệp “cắt cơn” tạm thời hay lạm dụng thuốc giảm đau sẽ làm lu mờ triệu chứng sớm của cơn tăng huyết áp, đột quỵ, khiến bệnh nhân “không kịp trở tay” và làm lỡ thời gian điều trị.

Ngay khi xuất hiện cơn đau đầu, người bệnh nên nằm nghỉ ở nơi thoáng mát và nằm với tư thế chân cao hơn đầu giúp máu lưu thông lên não tốt hơn. Khi thời tiết thay đổi, nên lưu ý giữ ấm khi trời lạnh và che chắn kỹ khi ra đường trong thời điểm nắng nóng; uống khoảng 1/2 - 1 cốc nước mỗi giờ (cốc khoảng 230-250ml); nghỉ ngơi điều độ; tránh căng thẳng, tập thể dục đều đặn để hạn chế khởi phát cơn đau đầu.

Trường hợp đau đầu dữ dội kèm theo tê bì, yếu liệt nửa người, khó nói, nôn ói… cần đặt người bệnh nằm chỗ thoáng, nghiêng một bên nếu bị nôn, móc hết đờm nhớt và nới bớt quần áo cho bệnh nhân dễ thở. Sau đó, ngay lập tức đưa họ đến bệnh viện gần nhất có thể (trong vòng 3h kể từ khi bị đột quỵ là khoảng thời gian vàng để cấp cứu), chú ý di chuyển người bệnh ở trạng thái giữ nguyên phần đầu, không rung lắc….

Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác, không để nằm chờ xem bệnh nhân có khỏe lại không. Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện hỗ trợ thì không nên chuyển đến bệnh viện ở xa, trừ khi có chỉ định của bác sĩ, vì càng di chuyển xa càng có thể làm bệnh nặng hơn.

Đọc thêm