Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên do Ông Lê Việt Chương (sinh năm 1967, thường trú tại số 150 Nguyễn Thị Định, phường Vĩnh Hiệp, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng; tàu không có kêt nối với thiết bị giám sát hành trình (VMS). Theo lời khai của thuyền trưởng, tàu đang vận chuyển khoảng hơn 40 nghìn lít dầu D.O không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Tổ công tác Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, thiết lập hồ sơ ban đầu của vụ việc và niêm phong hàng hóa vi phạm, dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 422 (Tp. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) để tiếp tục điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào lúc 02h30 ngày 16/9, tại vùng biển cách Nam Đông Nam Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau khoảng 130 hải lý, lực lượng chức năng BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã kiểm tra tàu cá TC 93698 TS khi tàu này đang vận chuyển khoảng 80.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc.
|
Lực lượng chức năng Cảnh sát biển kiểm tra hàng hóa vi phạm. |
Trung tá Lê Văn Khánh - Trưởng phòng Trinh sát Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết: Những hành vi vi phạm pháp luật về mua bán, vận chuyển, sang mạn trái phép dầu DO trên vùng biển Tây Nam không những ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xăng dầu hợp pháp của các thương nhân, làm thất thu lớn nguồn ngân sách Nhà nước từ việc trốn các loại thuế, phí; các hành vi vi phạm này còn trực tiếp tiếp tay cho nhiều tàu cá Việt Nam vi phạm về khai thác IUU, nhất là hành vi sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Vì vậy, việc quyết liệt đấu tranh ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển, sang mạn trái phép dầu DO trên vùng biển Tây Nam không những góp phần giữ vững ổn định về an ninh năng lượng, làm tăng thu ngân sách Nhà nước mà còn góp phần quan trọng trong việc gỡ “thẻ vàng” do Ủy ban Châu âu (EC) áp đặt đối với ngành thủy sản của Việt Nam.
Không chỉ quyết tâm đấu tranh ngăn chặn các hành vi vận chuyển dầu DO trái phép trên biển, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam còn tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo cho người dân trên địa bàn đơn vị đóng quân.
|
Cán bộ BTL Vùng Cảnh sát biển 4 phát tờ rơi tuyên truyền cho bà con ngư dân xã Gành Dầu, Phú Quốc (Kiên Giang). |
Theo Đại tá Nguyễn Thái Dương - Chủ nhiệm Chính trị/ BTL Vùng Cảnh sát biển 4, đây là hoạt động thường xuyên, mang nhiều ý nghĩa thiết thực của BTL Vùng nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng ý thức, trách nhiệm, tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân - dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn và phát triển bền vững kinh tế trên các vùng biển, đảo phía Tây Nam của Tổ quốc.
Tại các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo đến với các ngư dân và bà con nơi đơn vị đóng quân, các báo cáo viên của BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã thông tin đến cán bộ, nhân dân, nhất là chủ các phương tiện đánh bắt hải sản và ngư dân trên địa bàn một số nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 và các văn bản quy định của pháp luật về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); tuyên truyền về công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển; huấn luyện cho ngư dân sử dụng các vật tư trang bị hỗ trợ trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, tổ chức cho các chủ tàu cá có nguy cơ cao trên địa bàn ký bản cam kết không vi phạm các quy định IUU.
Vào ngày 21/10 vừa qua, tại xã Gành Dầu, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo kết hợp các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn. Trong dịp này, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 cũng đã trao tặng 20 suất quà (trị giá 1.000.000 đồng/suất) cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; kết hợp phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho các tàu cá trên địa bàn và trao tặng 500 lá cờ Tổ quốc cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang.