Cảnh sát biển phát hiện, bắt giữ nhiều tàu chở trái phép dầu DO với số lượng lớn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ trong thời gian ngắn, các cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ được nhiều tàu cá chở trái phép dầu DO với số lượng lớn. Việc này không những góp phần giữ vững ổn định về an ninh năng lượng, làm tăng thu ngân sách Nhà nước mà còn góp phần quan trọng trong việc gỡ “thẻ vàng” do Ủy ban Châu âu (EC) áp đặt đối với ngành thủy sản của Việt Nam.
Lực lượng Cảnh sát biển lập biên bản vi phạm đối với tàu cá có vi phạm.
Lực lượng Cảnh sát biển lập biên bản vi phạm đối với tàu cá có vi phạm.

Vào lúc 10h45' ngày 31/10, tại khu vực biển cách Đông Bắc Đảo Côn Sơn 41 hải lý, Tổ Công tác Đoàn Trinh sát số 2 đã phát hiện và kiểm tra tàu vỏ gỗ có số hiệu TG 93738 TS/03 thuyền viên do ông Ngô Minh Trung (SN 1978, trú tại phường Tân Long, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) làm thuyền trưởng và 03 thuyền viên còn lại gồm: Lê Minh Trung (SN 1980, trú xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo); Lê Tấn Phong (SN 1980, trú xã Vĩnh Bình, huyện Gò Công Đông, cùng tỉnh Tiền Giang).

Qua kiểm tra ban đầu, lực lượng chức năng phát hiện trên tàu đang chở khoảng 65.000 lít dầu DO (theo lời khai của thuyền trưởng Ngô Minh Trung).

Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng và các thuyền viên không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hoá vận chuyển trên tàu. Ngoài ra, thuyền viên cũng không đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Lực lượng Cảnh sát biển kiểm tra tàu có dấu hiệu vi phạm.

Lực lượng Cảnh sát biển kiểm tra tàu có dấu hiệu vi phạm.

Sau đó, Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản ban đầu và tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn về người, vũ khí, trang bị... Đồng thời, đưa tàu về cảng Hải đội 301/BTL Vùng Cảnh sát biển 3 (Vũng Tàu) tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng liên quan đến vụ việc phát hiện và bắt giữ tàu chở dầu DO không rõ nguồn gốc với số lượng lớn, trước đó, chỉ trong vòng 02 ngày cuối tháng 10/2022, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cũng đã phát hiện, bắt giữ 02 tàu vận chuyển khoảng 67.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, vào tối ngày 26/10, khi đang tuần tra, kiểm soát trên vùng biển Tây Nam, cách đảo Thổ Châu khoảng 13 hải lý, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện tàu cá có nhiều dấu hiệu nghi vấn và ra tín hiệu dừng lại để kiểm tra.

Tàu cá có dấu hiệu vi phạm. (Ảnh minh hoạ).

Tàu cá có dấu hiệu vi phạm. (Ảnh minh hoạ).

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên do ông Huỳnh Chí Thành (SN 1960, thường trú thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) làm thuyền trưởng đang chở khoảng 45.000 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Tổ công tác của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, lập hồ sơ ban đầu vụ việc và niêm phong hàng hóa vi phạm. Tàu vi phạm được đưa về cảng Hải đội 422 TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để tiếp tục điều tra, xử lý.

Chưa hết, vào hôm 24/10 trước đó, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cũng đã phát hiện, tạm giữ tàu cá do ông Huỳnh Văn Vũ (SN 1991, trú tại xã Nam Yên, huyện An Biên, Kiên Giang) làm thuyền trưởng, đang vận chuyển khoảng 22.000 lít dầu DO không có giấy tờ hợp pháp.

Sau khi phát hiện vụ việc trên, lực lượng chức năng đã dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 421 ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau xử lý theo quy định.

Những hành vi vi phạm pháp luật về mua bán, vận chuyển, sang mạn trái phép dầu DO trên các vùng biển của Việt Nam không những ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xăng dầu hợp pháp của các thương nhân, làm thất thu lớn nguồn ngân sách Nhà nước từ việc trốn các loại thuế, phí; các hành vi vi phạm này còn trực tiếp tiếp tay cho nhiều tàu các Việt Nam vi phạm về khai thác IUU, nhất là hành vi sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Vì vậy, việc quyết liệt đấu tranh ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển, sang mạn trái phép dầu DO trên các vùng biển của Việt Nam không những góp phần giữ vững ổn định về an ninh năng lượng, làm tăng thu ngân sách Nhà nước mà còn góp phần quan trọng trong việc gỡ “thẻ vàng” do Ủy ban Châu âu (EC) áp đặt đối với ngành thủy sản của Việt Nam.

Đọc thêm