Cảnh sát giao thông nổ súng bắn người có lạm quyền?

(PLO) - Hầu hết những vụ việc cảnh sát giao thông rút súng bắn người vi phạm đều là trong việc xử lý hành chính. Việc này khiến cho dư luận đặt câu hỏi về việc “Lạm quyền” của lực lượng chức năng trong thời gian gần đây và kết quả của sự việc là người vi phạm bị thương và cán bộ chiến sỹ CSGT thì bị đình chỉ công tác.
Cảnh sát giao thông nổ súng bắn người có lạm quyền?

Mới đây nhất, vào chiều (30/6), tại tuyến đường gần khu vực trường THCS Bình Thuận (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang), trong lúc đang làm nhiệm vụ, Tổ công tác thuộc Đội CSGT TP Tuyên Quang đã yêu cầu một người dân dừng xe máy để kiểm tra vì có dấu hiệu vi phạm giao thông. Người điều khiển xe máy đã dừng xe, nhưng lại gọi người được cho là chủ xe đến trực tiếp giải quyết.

Khi người chủ phương tiện đến, giữa người này và các chiến sỹ CSGT đã xảy ra tranh cãi gay gắt. 

“Một lúc sau chúng tôi giật mình nghe thấy tiếng súng còn nam thanh niên ôm đầu ngã xuống đất” - một nhân chứng cho biết.

Theo thông tin trên báo Giao thông, Đại tá Phạm Văn Giáp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết chiến sỹ CSGT liên quan đến vụ việc, cơ quan điều tra đã yêu cầu viết bản tường trình, tạm nghỉ làm nhiệm vụ bên ngoài để phối hợp với cơ quan điều tra, làm rõ vụ việc.

Cũng tương tự như vụ việc CSGT TP Tuyên Quang rút súng bắn người vi phạm, ngày 4/5/2015 trên báo Người lao động có bài viết “CSGT bắn đạn cao su vào người vi phạm giao thông” nội dung bài viết thể hiện: “Đại tá Lê Văn Nghiêm, Trưởng Công an TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với thiếu úy Hoàng Mạnh Trung, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Thanh Hóa, để xác minh, làm rõ và kiểm điểm nghiêm túc việc vi phạm quy trình công tác, sử dụng súng bắn đạn cao su gây thương tích cho người vi phạm giao thông”.

Theo quyết định này, vào khoảng 12 giờ ngày 3/5, trong khi đang làm nhiệm vụ tuần tra phòng chống tội phạm và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP Thanh Hóa (mặc thường phục), tổ công tác gồm 4 người do thiếu úy Hoàng Mạnh Trung làm tổ trưởng đã phát hiện 2 thanh niên đi xe máy, trong đó người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm.

Lực lượng công an ra hiệu lệnh dừng xe, xuất trình thẻ và yêu cầu 2 thanh niên vi phạm phối hợp làm việc. Mặc dù đã giải thích, nhưng 2 thanh niên không chấp hành mà tiếp tục giằng co xe máy với lực lượng CSGT làm thiếu úy Trung bị xây xát ở chân.

Thiếu úy Trung đã rút súng cao su bắn 1 phát chỉ thiên và 1 phát vào sườn anh Nguyễn Thanh Nghĩa (SN 1988, ngụ phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa), làm anh Nghĩa bị thương nhẹ.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, rất nhiều người dân xung quanh bất bình đến vây quanh tổ công tác, không cho đi. Trước tình hình trên, đại tá Lê Văn Nghiêm, Trưởng Công an TP Thanh Hóa, đã trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo các đội nghiệp vụ đưa anh Nghĩa tới Bệnh viện Công an tỉnh Thanh Hóa thăm khám vết thương.

Kết quả điều tra ban đầu, Công an TTP Thanh Hóa xác định 2 thanh niên có vi phạm giao thông, cản trở tổ công tác làm nhiệm vụ. Việc thiếu úy Hoàng Mạnh Trung sử dụng công cụ hỗ trợ để bắn vào người vi phạm trong trường hợp nêu trên là sai quy định, quy trình công tác.

Công an TP Thanh Hóa đã tạm đình chỉ công tác 30 ngày đối với thiếu úy Trung để làm rõ vụ việc và có hình thức xử lý nghiêm.

Nhìn nhận từ hai vụ việc trên, nhiều người làm luật cho rằng với lý do “tình hình chống người thi hành công vụ ngày càng phức tạp”, Bộ Công an dự kiến trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.

Theo dự thảo nghị định, người thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo này có nhiều điều bất ổn, dễ dẫn đến sự lạm quyền.

Giảng viên Nguyễn Đình Thắm (khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Phân hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM) có phân tích trên báo Pháp luật TP HCM :“Sẽ không ổn nếu để lực lượng thi hành công vụ tự dựa vào những dấu hiệu ban đầu để xác định tội phạm ít nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Cái gọi là căn cứ thực tế để nổ súng cũng không rõ vì chưa đưa ra định lượng cụ thể. Trên thực tế có nhiều vụ chống người thi hành công vụ có tính chất, mức độ nguy hiểm và quy mô khác nhau. Có trường hợp người thực thi nhiệm vụ chia thành nhiều nhóm, nhiều đội nhỏ với tính chất công việc khác nhau. Nếu không xác định đúng tính chất, mức độ chống đối mà nổ súng khi chưa thật sự cần thiết thì sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử và định tội danh”.

Theo thiếu tướng Nguyễn Văn On, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, dự thảo của Nghị định cho phép lực lượng công an được bắn các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ làm ông rất băn khoăn. "Tôi e rằng sẽ có sự lạm dụng gây nguy hiểm không đáng có cho người vi phạm, thường là những đối tượng trẻ hay bốc đồng", tướng On nêu quan điểm.

Ông On cho rằng, từ trước đến giờ, khi cần sử dụng biện pháp mạnh với các đối tượng chống đối, người thi hành công vụ hay gặp khó khăn ở cách xác định thế nào là phòng vệ chính đáng. Do vậy, Bộ Công an cần hướng dẫn nghiệp vụ này. Ngoài ra, Bộ có thể thống nhất bằng văn bản cách sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí sao cho phù hợp. Nếu đối tượng dùng hung khí (dao, kiếm, mã tấu, chĩa, gậy…) để tấn công thì người thi hành công vụ chỉ cần bắn đạn cao su là khống chế được rồi… Không nên quy định chung chung “nổ súng trực tiếp vào người” vì tay, chân, mình, đầu, mặt đều là các bộ phận của thân thể con người.

Theo khoản 3 Điều 22 Pháp lệnh 16/2011: 7 trường hợp Công an được nổ súng

1) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

2) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

3) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

4) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

5) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;

6) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế:

Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

7) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Đọc thêm