Theo phân tích của Luật sư Đặng văn Cường – Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội - việc CSGT Tuyên Quang sử dụng súng bắn thẳng vào đầu người vi phạm hành chính là trái luật.
Bởi lẽ, nguyên tắc khi nổ súng được quy định tại Khoản 2 Điều 22 Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 đã phân biệt hai trường hợp:
+ Khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền.
+ Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo 4 nguyên tắc, cụ thể như sau:
a) Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng;
b) Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.
Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay. Việc cảnh báo trước khi nổ súng được thể hiện bằng mệnh lệnh qua lời nói hoặc bắn chỉ thiên;
c) Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
d) Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.
Đồng thời, trong vụ việc này, CBCS Đội CSGT TP Tuyên Quang đã sử dụng súng bắn đạn cao su là công cụ hỗ trợ chứ không phải là vũ khí quân dụng. Mà việc sử dụng công cụ hỗ trợ được thể hiện rõ trong Điều 33, Pháp lệnh số Số: 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Trường hợp CBCS Đội CSGT TP Tuyên Quang sử dụng súng như báo chí đăng tải không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 33.
“Cũng cần nhấn mạnh là việc đôi co, lời qua tiếng lại không phải là hành vi chống người thi hành công vụ. Đồng thời không phải hành vi chống người thi hành công vụ nào cũng đe dọa đến tính mạng của người thi hành công vụ. Khi mà CSGT không bắn chỉ thiên, bắn vào tay, chân mà lại bắn thẳng vào đầu người dân như vậy thì khó có thể chấp nhận được dù hậu quả thế nào đi nữa. Vụ việc này cần phải làm rõ và xử lý theo pháp luật, ai sai tới đâu phải xử lý tới đó.” – Luật sư Cường trao đổi.
Như Báo PLVN đã đưa tin, chiều (30/6), tại tuyến đường gần khu vực trường THCS Bình Thuận (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang), trong lúc đang làm nhiệm vụ, Tổ công tác thuộc Đội CSGT TP Tuyên Quang đã yêu cầu một người dân dừng xe máy để kiểm tra vì có dấu hiệu vi phạm giao thông.
Người điều khiển xe máy đã dừng xe, nhưng lại gọi người được cho là chủ xe đến trực tiếp giải quyết.
Khi người chủ phương tiện đến, giữa người này và các chiến sỹ CSGT đã xảy ra tranh cãi gay gắt.
“Một lúc sau chúng tôi giật mình nghe thấy tiếng súng còn nam thanh niên ôm đầu ngã xuống đất” - một nhân chứng cho biết.
Báo Giao thông cho biết, Đại tá Phạm Văn Giáp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang, Thủ trưởng cơ quan điều tra đã phát biểu: “Cơ quan điều tra của Công an tỉnh đã tiếp cận, tiến hành điều tra vụ việc và hiện chưa có kết luận điều tra. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là ai sai, ai đúng đều xử lý nghiêm, không bênh vực.
Việc chiến sỹ CSGT sử dụng súng bắn đạn cao su được xem như một công cụ hỗ trợ quá trình làm nhiệm vụ chứ không thể nói là vũ khí quân dụng nào được. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ tình huống sử dụng công cụ hỗ trợ để làm nhiệm vụ của chiến sỹ CSGT có đúng quy trình không.
Tuy nhiên, căn cứ theo diễn biến của vụ việc, lực lượng chức năng có cơ sở khẳng định nam thanh niên đã có biểu hiện chống đối người thi hành công vụ”.
Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao) có lưu ý: “Hành vi tấn công người đang thi hành công vụ phải được “đặt tên” rõ để ngăn chặn chứ không thể trao quyền cho người thi hành công vụ nhận diện. Khi nghi ngờ tội phạm, các cơ quan tố tụng phải thực hiện các biện pháp tư pháp để củng cố chứng cứ trong thời gian dài mới có thể kết luận được. Do vậy, không thể cho rằng cứ thấy có dấu hiệu nguy hiểm là có thể nổ súng, điều này rất dễ dẫn tới tình trạng lợi dụng, lạm quyền nổ súng tràn lan” – theo VnExpress.
Điều 33. Sử dụng công cụ hỗ trợ
1. Người được giao công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ được sử dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 22 của Pháp lệnh này;
b) Ngăn chặn người đang có hành vi đe doạ trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người khác,
c) Bắt giữ người theo quy định của pháp luật;
d) Thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật.