Giúp bảo lãnh tại ngoại
Năm 1992, Ngô Hiểu Phong kết hôn cùng người vợ xinh đẹp hiền thục tên Hạ Đình, sau đó sinh hạ một bé gái xinh đẹp đặt tên là Sương Sương. Tuy có vợ đẹp con khôn nhưng Phong lại không lấy đó làm hài lòng. Sau khi kết hôn, do cuộc sống có nhiều khó khăn nên anh ta thường nổi cáu, chửi mắng vợ chỉ vì những việc hết sức nhỏ nhặt.
Về sau, Phong còn thường xuyên thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Tuy vậy Hạ Đình vẫn một mực chịu đựng yêu thương chồng con không dám kêu ca. Tháng 8/2000, Hiểu Phong mua lại của bạn 10 chiếc đầu đĩa, nhưng số đầu đĩa này là tang vật của một vụ trộm. Do đó, Phong phạm tội tiêu thụ đồ do phạm tội mà có nên bị sở cảnh sát thành phố Cáp Nhĩ Tân tạm giữ hình sự.
Nghe tin chồng bị bắt, Hạ Đình vội vàng đến gặp người phụ trách vụ án là Vu Minh Tường để hỏi thăm tình hình. Lúc nói chuyện, cô luôn tỏ ra đau buồn, lo lắng cho chồng, nước mắt rơi lã chã.
Không biết do dung mạo của Đình xinh đẹp phúc hậu hay vì tình cảm chân thật của người phụ nữ đối với chồng khiến Tường cảm động. Trong lòng Tường bỗng nảy sinh một tình cảm khó tả, vừa có chút tội nghiệp cho cô vừa nghĩ đây là người phụ nữ cần được giúp đỡ. Tường nói: “Cô cứ bình tĩnh, yên tâm về nhà, tôi sẽ quan tâm trường hợp chồng cô”.
Hạ Đình như người chết đuối vớ được cọc vội đề nghị: “Các anh đang rất bận nên tôi không tiện làm phiền, hay là tối nay tôi mời anh ăn cơm rồi cùng nói chuyện…”. Từ chối mấy lần không được, cuối cùng Tường đành nhận lời. Tối hôm đó họ hầu như chỉ nói chuyện của Phong. Tường cũng hứa sẽ giúp đỡ về mặt thủ tục cho Hạ Đình bảo lãnh chồng tại ngoại chờ xét xử.
Sau lần đó, do lo việc của chồng, Hạ Đình còn phải gặp mặt Tường thêm mấy lần tại đồn cảnh sát. Mỗi lần như vậy, Tường đều tận tình tiếp đón và hướng dẫn cô những thủ tục cần thiết. Một hôm, Hạ Đình bị viêm ruột thừa cấp, đau đớn lăn lộn trên giường. Do ở nơi khác đến, trước đây chỉ ở nhà nội trợ nên không có người thân quen, vừa đau đớn vừa lo sợ, trong đầu Đình liền nghĩ đến viên cảnh sát tốt bụng từng giúp đỡ mình.
Trong lúc cấp bách cô đành nhấc điện thoại gọi cho Tường. Lúc đó dù đang trực cơ quan nhưng nhận được điện thoại, Tường lập tức nhờ người trực thay rồi lái xe đến nhà Hạ Đình đưa cô đi viện. Liền sau đó mấy hôm, ngày nào Tường cũng vào bệnh viện chăm sóc Hạ Đình, lo cơm nước cho cô. Hạ Đình trong lòng thầm cảm ơn lòng tốt của Tường rối rít cảm ơn.
Ra viện được ít ngày sau, Tường gọi điện cho Hạ Đình nói: “Việc bảo lãnh tại ngoại cho chồng cô cơ bản đã xong rồi, ngày mai cô đến đồn cảnh sát để làm nốt một số thủ tục nhé”. Nhận tin, Hạ Đình vui mừng cảm ơn rồi đề nghị tối đó mời Tường ăn cơm.
Điều gì đến đã đến
Trong hơn một tháng chồng bị tạm giam, Tường như người anh, người cha giúp đỡ, khuyên nhủ và cổ vũ khiến tâm lí của Đình ổn định lại rất nhiều so với lúc đầu. Cũng từ đó hai người thường xuyên gặp nhau trò chuyện hơn. Hạ Đình là cô gái đẹp hiền hậu, giỏi nắm bắt và hiểu suy nghĩ của người khác, nói chuyện rất tâm đầu ý hợp khiến Tường như bị hút hồn.
Lâu dần, họ như những người bạn già, nói chuyện tâm sự về gia đình con cái. Trong lúc tiếp rượu Tường, Hạ Đình bỗng thở dài nói: “Anh ấy không về thì tôi cảm thấy lo lắng, nhưng khi về rồi lại có nhiều nỗi lo mới”. Nỗi buồn lâu ngày tích tụ không nói với ai, trong lòng lại coi Tường như người bạn tâm tình, Hạ Đình vừa khóc vừa kể lại những chuyện không như ý muốn trong cuộc sống gia đình cho Tường.
Nghe xong Tường bức xúc nói: “Đúng là đồ bỏ đi, giá như tôi cưới được người vợ…”, Tường định nói những suy nghĩ của mình nhưng nghĩ không phù hợp nên lại thôi. Hạ Đình hiểu ý Tường định nói gì nên cảm thấy ngượng ngùng. Trong chốc lát, khoảng cách giữa hai người nhanh chóng xích lại gần nhau thêm một chút.
Ăn cơm xong Tường đưa Đình về nhà. Bước vào cửa, do có men rượu trong người Tường ôm chặt Đình từ phía sau. Đình sợ hãi cố đẩy Tường ra, nhưng cuối cùng cũng không thể chiến thắng được dục vọng…
Ngày 5/9/2000, Phong được bảo lãnh tại ngoại chờ xét xử. Anh ta cảm động nói với vợ: “Sau những việc vừa xảy ra, anh nhận thấy lúc khó khăn nhất vẫn là vợ mình yêu thương mình nhất. Trước đây anh đã đối xử không tốt với em, sau này anh nhất định sẽ thay đổi”.
Nghe những lời tự đáy lòng chồng nói cô cũng cảm động không ngớt, lại nghĩ đến cô con gái đáng yêu của mình, Hạ Đình bỗng cảm thấy xấu hổ vì đã qua lại với Tường. Cô tự hứa với bản thân, sau này nhất định sẽ không gặp lại Tường nữa, sẽ một lòng chăm sóc gia đình.
Lúc này, Tường cũng đang có cảm giác bối rối như Hạ Đình, nhưng thỉnh thoảng trong đầu ông lại hiện lên hình dáng, điệu cười của Hạ Đình. Hai tháng sau, hai người đánh mất lí trí và cuộc tình vụng trộm sai trái của hai kẻ đã có gia đình lại tiếp diễn. Thỉnh thoảng Tường lại gọi điện cho Hạ Đình hẹn gặp nhau.
Âm mưu đen tối
Cổ nhân thường nói “giấy báo không gói được hòn than, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Thấy Hạ Đình thỉnh thoảng lại ra ngoài không có mục đích rõ ràng khiến Phong sinh nghi. Anh ta ngấm ngầm kiểm tra điện thoại của vợ, phát hiện một số điện thoại thường xuyên gọi cho vợ với tần suất rất cao.
Một hôm, Hạ Đình đi chợ quên điện thoại ở nhà, đúng lúc Tường gọi đến, Phong nhìn thấy đúng là số điện thoại khả nghi liền bắt máy nghe. Điều khiến anh ta cảm thấy kinh ngạc là lại đúng giọng nói rất đặc trưng của người cảnh sát phụ trách vụ án của mình. Vẻ ngoài Phong không có phản ứng gì, nhưng từ đó anh ta âm thầm đi theo vợ những lúc cô ra ngoài.
Một hôm, Phong tận mắt nhìn thấy vợ bước ra từ khu nhà của Tường, anh ta chặn vợ lại ngay trên đường chất vấn mắng chửi. Hai người cãi nhau kịch liệt, Hạ Đình tức giận chuyển khỏi nhà ngay hôm đó. Ngày hôm sau, Phong đến đồn cảnh sát phản ánh tình hình với lãnh đạo của đồn.
Câu chuyện của Tường ngay lập tức gây ầm ĩ ở đơn vị. Vợ Tường biết chuyện cũng giận dỗi liên tục chất vấn, nhưng Tường giảo hoạt nói làm cảnh sát thì kiểu gì chẳng gây thù chuốc oán với người này người kia, người ta muốn hãm hại tôi mà vợ không thông cảm lại vào hùa với họ. Sau đó vợ Tường tin chồng nên hầu như không còn nhắc đến chuyện này nữa.
Tháng 8/2002, Hạ Đình chính thức đệ đơn li hôn lên tòa án. Sau hai năm bị Phong theo dõi kìm hãm, không những không khiến tình cảm giữa Hạ Đình và Tường bị sứt mẻ mà càng khiến hai kẻ si tình này điên cuồng quấn quýt nhau hơn. Tuy không có danh nghĩa là vợ chồng nhưng Hạ Đình có suy nghĩ sai lầm cho rằng mình đã có được người đàn ông rất mực yêu đương toàn tâm toàn ý với mình.
Vu Minh Tường cũng thường xuyên an ủi: “Con gái anh đang chuẩn bị thi đại học rồi, đợi khi nào anh không còn phải lo lắng cho nó nữa thì mình sẽ kết hôn, anh sẽ li dị vợ”. Đình hi vọng một viễn cảnh hai người được chính thức ở bên nhau mà không hề nghĩ đến tình cảnh hai gia đình có thể sẽ tan vỡ, con cái có thể bơ vơ.
Được tòa án thụ lí, tháng 2/2003, Ngô Hiểu Phong và Hạ Đình chính thức làm thủ tục li hôn. Trong lòng Phong không cam tâm vợ bỏ đi khiến như vậy anh ta suốt ngày đắm chìm trong rượu chè bê tha. Sau khi li hôn, Phong vẫn tìm mọi cách thăm dò địa điểm thuê trọ của của vợ, thường xuyên qua lại khu vực đó với suy nghĩ biết đâu sẽ có lúc gặp lại cô.
Một hôm anh ta may mắn gặp được Hạ Đình đang đi cùng Vu Minh Tường. Phong chạy thẳng đến trước mặt hai người rồi giáng thẳng nắm đấm vào mặt Tường. Tường loạng choạng rồi nhanh chóng đứng dậy đánh nhau với Phong. Tuy nhiên Phong không phải là đối thủ của một cảnh sát hình sự được đào tạo võ nghệ chính quy, chỉ sau một lúc Phong đã Tường đánh cho bầm dập cơ thể.
Điều khiến Phong càng không thể chấp nhận được chính là người vợ cũ đứng bên cạnh nói: “Anh bị thần kinh à, chúng ta đã li hôn rồi, tôi muốn đi với ai thì tôi đi với người đó chứ”. Phong không còn lí do gì để gây chuyện đành loạng choạng bỏ đi, nhưng trong lòng không khỏi hậm thực cay đắng.
Thời gian thấm thoắt qua đi, tháng 2/2004, sau khi được bạn bè giới thiệu, Phong quen một người bạn gái tên Tôn Mẫn, hai người nhanh chóng dọn về ở cùng nhau. Nhưng việc Hạ Đình rời bỏ mình luôn như một vết thương khó lành trong tim, chỉ cần có người động vào là lập tức vềt thương lại hở miệng. Đồng thời, việc của Hạ Đình cũng khiến anh ta không tin tưởng mà luôn nghi ngờ phụ nữ, thường xuyên xem trộm điện thoại của bạn gái mới.
Một hôm bị bạn gái bắt gặp Phong đang kiểm tra điện thoại của mình, cô nói: “Phụ nữ đang nghĩ gì anh không thể xem được đâu. Cho dù có xem được đi chăng nữa thì vợ anh vẫn cứ bỏ đi với người khác đấy thôi”. Sau câu nói, Phong có cảm giác lửa đang bùng bùng cháy trong đầu: “Nếu không tiêu diệt nó, cả đời mình sẽ chỉ bị người khác đem ra làm trò cười như vậy thôi”.
Lúc này, Phong cho rằng: muốn tìm lại sự tôn nghiêm của một người đàn ông trong mình thì nhất định phải giải tỏa nỗi hận này. Vậy là, một ý nghĩ tội ác hình thành trong đầu anh ta.
Tháng 12/2004, Phong mua một chiếc xe ô tô cũ. Lấy lí do con gái đi học xa không thuận tiện nên anh ta thuê một căn nhà gần nhà Tường, căn nhà nằm đối diện bên kia đường. Phong âm thầm mai phục ngay sát với “tình địch”, một âm mưu được vạch ra kĩ càng.
Lòng thù hận gây án giết người
Sau nhiều ngày tính toán âm mưu và chọn thời điểm nhưng không hợp lí. Khoảng 1h chiều ngày 20/3/2005, Phong lái xe đi lòng vòng quanh khu gần nhà. Sau nửa tiếng không thấy đối phương xuất hiện, Phong quyết định lái xe đến đỗ ngay trước cầu thang khu nhà của Tường và ngồi trong xe quan sát.
Khoảng 2h30, Tường đi công chuyện quay về nhà, nhìn thấy Tường xuống xe định đi lên tầng, Phong lấy dao lận sau lưng rồi lặng lẽ xuống xe đi lên theo. Lúc này Tường không để ý có người đang đi theo mình, lên đến tầng 5, Tường lấy chìa khóa chuẩn bị mở cửa thì bị Phong lao đến đâm từ phía sau lưng.
Tường lấy hết sức vừa đẩy Phong vừa kêu cứu rồi chạy xuống cầu thang. Phong như kẻ say máu không buông tha, tiếp tục chạy theo đâm chém loạn xạ lên người Tường. Thấy Tường nằm bất động máu loang khắc người, anh ta mới sợ hãi hoang mang lên xe trốn chạy.
Sự việc nhanh chóng được thông báo, cảnh sát đến hiện trường thì Tường đã tử vong. Pháp y cho biết nạn nhân bị rách hai lá phổi và lá lách gây mất máu tử vong. Tổng cộng trên người nạn nhân bị 16 nhát dao đều phạm vào chỗ hiểm, từ đó có thể thấy hung thủ muốn lấy mạng nạn nhân bằng được.
Sau hơn hai tháng điều tra truy bắt, ngày 29/5/2005, cảnh sát đã bắt được hung thủ về quy án. Chỉ sau một lần thẩm vấn, tâm lí Phong đã hoàn toàn suy sụp và khai nhận toàn bộ quá trình phạm tội của mình.
Tòa án nhân dân Trung cấp thành phố Cáp Nhĩ Tân cho rằng, bị cáo Ngô Hiểu Phong có âm mưu giết người, được chuẩn bị từ trước, thủ đoạn ra tay đàn độc, hậu quả gây ra nghiệm trọng, tội đáng bị tử hình lập tức thi hành. Nhưng do xét thấy nạn nhân trong vụ án này cũng có một phần trách nhiệm gây ra nguyên nhân. Vì vậy, đưa ra phán quyết Phong phạm tội cố ý giết người, tuyên án tử hình nhưng cho hoãn thi hành án hai năm.
Sau khi vụ án xảy ra, những tình tiết phía sau được hé lộ mọi người không khỏi cảm thán cho rằng, là một cảnh sát đã có gia đình vợ con lại nảy sinh tình ý với vợ của nghi phạm. Chỉ vì một chút ham muốn mà đánh mất bản thân, vi phạm nghiêm trọng tác phong lối sống của người công an nhân dân.
Vì vậy, tuy nạn nhân phải nhận kết cục không đáng có nhưng cũng thật đáng trách. Nếu suy nghĩ một cách lí trí, biết dừng lại sớm thì không đến nỗi gia đình hung thủ tan vỡ và bản thân không phải nhận một kết cục bi thảm như vậy.
Còn về phía hung thủ là một người quá cố chấp, không biết trân trọng hạnh phúc của mình. Tuy đã hai lần anh ta được cơ hội ấy nhưng anh ta không biết nắm lấy.
Lần thứ nhất có người vợ hiền lành nhưng chỉ vì tính khí thô lỗ, hay đánh đập vợ khiến tình cảm vợ chồng bị sứt mẻ không thể hàn gắn lại được. Khi nhận ra điều ấy thì sự việc đã đi quá xa và quá muộn để làm lại. Lần thứ hai, có bạn gái mới, anh ta lại thường xuyên nghi ngờ khiến tình cảm cũng đổ vỡ và đi đến suy nghĩ tiêu cực. Chỉ vì một chút sĩ diện mà không soi xét lại bản thân để rồi gây ra án mạng, bị tử hình và mang bản án lương tâm.
Cô vợ Hạ Đình là một người đáng thương nhưng cũng đáng trách, cho dù có lấy lí do gì đi nữa cũng không thể biện hộ cho hành vi quan hệ bất chính của mình. Vì vốn dĩ cô đã là người có gia đình và cũng thừa biết đối phương cũng là người có gia đình nhưng vẫn chấp nhận qua lại. Chỉ một chút sao lòng khiến cô rơi vào vòng xoáy tình cảm không thoát ra được.