Dân 'phây' làm điều tra - lợi bất cập hại

(PLO) - Nhiều sự việc diễn ra gần đây cho thấy, cộng đồng mạng có vai trò rất tích cực trong việc “điều tra” giúp người bị hại trong những vụ trộm, thất lạc, hành hung... Tuy nhiên, sự tích cực này cũng đem lại không ít mặt trái đầy phiền toái.
Dân 'phây' làm điều tra - lợi bất cập hại

“Lục Vân Tiên” trên mạng!

Những ngày gần đây, cư dân mạng đang tích cực chia sẻ thông tin nhằm giúp một người Đức sống tại Việt Nam tìm lại chiếc điện thoại đã mất. Xuất phát từ việc một bạn trẻ gặp người đàn ông Đức tại khu vực Bờ Hồ, Hà Nội và nghe được chuyện người đàn ông này bị mất trộm điện thoại, biết mặt kẻ trộm nhưng không lấy lại được.

Bạn trẻ này đã nhanh chóng đăng bài viết lên một diễn đàn đông thành viên và kêu gọi cộng đồng mạng chung tay giúp người đàn ông nói trên tìm lại điện thoại. Trong vòng hai ngày, bài viết đã nhận được rất nhiều bình luận hưởng ứng và chia sẻ mạnh mẽ. 

Trước đó không lâu, một nữ du khách người Litva mất chiếc xe đạp đã gắn bó trong các chuyến “phượt” khắp Việt Nam. Nhờ sự trợ giúp tìm kiếm nhiệt tình của cư dân mạng, nữ du khách đã tìm lại được chiếc xe đạp bị mất, cô đã bày tỏ sự cảm kích và mong muốn quay lại Việt Nam để làm việc.

Tương tự, khá nhiều vị việc mất cắp hoặc đánh mất, để quên của cải cũng đã được cộng đồng mạng vào cuộc, giúp đỡ “khổ chủ” tìm lại được đồ đánh mất. Một trường hợp được coi là “kỉ lục” về thời gian là vào năm 2016, sau một bài viết đăng trên mạng xã hội với nội dung nhặt được ví bao gồm giấy tờ, tiền bạc, cần tìm lại chủ chiếc ví, thì chỉ sau 14 phút, sự chia sẻ thông tin nhiệt tình từ cư dân mạng đã giúp người nhặt kết nối được với chủ nhân chiếc ví và chiếc ví trở về với chủ của mình. 

Cũng trong năm 2016, một thầy giáo về hưu ở quận 5, TP HCM bị mất trí nhớ và đi lạc. Người nhà sau nhiều ngày không tìm được đã nhờ đến mạng xã hội trợ giúp tìm kiếm. Chỉ trong vòng 24h sau khi bài viết được đăng lên, đã có hơn 3.000 lượt chia sẻ và nhiều người cung cấp thông tin hữu ích, giúp gia đình tìm được thầy giáo mất tích.

Cư dân mạng còn tỏ ra rất nhanh nhạy đối với các thông tin “tìm thủ phạm” liên quan đến các vụ hành hung, cư xử tiêu cực nơi công cộng. Không ít lần, những kẻ hành hung trẻ em, đánh đập phụ nữ, chống đối người thi hành công vụ hay hành xử thiếu văn minh nơi công cộng, sau khi xuất hiện trong các clip lan truyền trên mạng đã nhanh chóng được cư dân mạng tìm ra và “ném đá” không thương tiếc.

Phụ thuộc mạng xã hội – lợi bất cập hại

Chính vì sự nhanh nhạy này, rất nhiều người đã coi mạng xã hội như một “cứu tinh” cho mình khi xảy ra sự cố. Người nhà thất lạc, trẻ con nghi bị bắt cóc, đánh rơi tài sản, mất trộm đồ, thậm chí nhờ cả... đòi công lý hộ, nhiều người đều nhờ đến mạng xã hội. Kết quả tích cực là có thật, nhưng mặt trái của nó là nhiều phiền toái, hệ lụy thì không phải ai cũng ý thức được.

Tháng 5/2017, gia đình mất chú chó cưng nuôi 2 năm, anh Nguyễn Vĩnh Thành, ngụ quận 3, TP HCM lên facebook đăng thông tin nhằm tìm chó về, với hứa hẹn sẽ hậu tạ thỏa đáng. Kể từ lúc đăng thông tin, anh Thành đã nhận rất nhiều tin nhắn cũng như điện thoại báo thông tin về chú chó. Ban đầu, cả nhà còn tích cực lần theo các thông tin, nhưng sau nhiều lần bị trúng “tin vịt”, có lần suýt bị lừa, chạy lui chạy tới mệt bở hơi tai thì đâm nản. Sau đó, anh Thành đã tự gỡ bài đăng xuống để tránh bị làm phiền, tuy nhiên, sự phiền toái vẫn kéo dài thêm một thời gian nữa.

Cách đây một tháng, vợ một giám đốc doanh nghiệp nọ, trong cuộc chiến ly hôn, giành nuôi con với chồng đã lên mạng tố chồng tách con ra khỏi mình, muốn giành con với mình với động cơ không trong sáng.

Cộng đồng mạng, đặc biệt là chị em phụ nữ đã tích cực chia sẻ thông tin cũng như lên án, chửi bới người chồng, đòi giành lại công lý cho người vợ. Tuy nhiên, sau đó, hai vợ chồng nọ đã bỏ ý định ly hôn, quay lại với nhau và gỡ bài viết nói trên, khiến nhiều người theo dõi “chưng hửng”. Chưa kể đến, chị vợ còn đăng lại bài viết xin lỗi chồng, xin lỗi hai bên gia đình vì bài viết sai sự thật, trong lúc nóng giận đã ảnh hưởng đến gia đình mình và đại gia đình...

Trong vụ việc bé trai 6 tuổi bị mất tích ở Quảng Bình mới đây, nhiều người cho rằng, chính việc gia đình nhờ đến cộng đồng mạng chia sẻ thông tin quá mạnh, tin lan truyền với tốc độ chóng mặt cùng với nhiều tin đồn thất thiệt đi kèm đã góp phần thúc đẩy thủ phạm trở nên manh động, sợ hãi mà xuống tay với cháu bé.

Thực tế, với những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, cơ quan công an đang trong quá trình điều tra, việc chia sẻ thông tin rầm rộ trên mạng sẽ đem lại khá nhiều phiền toái, nguy hiểm, thậm chí khiến việc điều tra của cơ quan chức năng trở nên khó khăn hơn.

Một khi thông tin đã tung  trên mạng xã hội, sẽ nhanh chóng được phát tán mà không ai có thể kiểm soát mức độ, độ chuẩn thông tin, Kèm theo đó là sự nhiễu loạn, tam sao thất bản. Cạnh đó, việc nạn nhân, người nhà nạn nhân tự ý liên lạc với những người tự xưng là có thông tin hữu ích cũng khá nguy hiểm, bởi không lấy gì để xác nhận được đó có phải là thành phần nguy hiểm, là những kẻ lừa đảo đang nhăm nhăm trục lợi trên sự mất mát của người khác?

Trên mạng xã hội, “Lục Vân Tiên” không ít, nhưng “Lý Thông” cũng rất nhiều. Tỉnh táo, có ý thức khi tham gia mạng xã hội đó là hành động mà mỗi cư dân mạng cần phải có, đừng để biến mình thành nạn nhân của “cơn bão thông tin” do chính mình gây ra. 

Đọc thêm