Cảnh sát tống tiền, dọa bắn chết dân

(PLO) - Túng quẫn, Vương viết thư tống tiền, dọa bắn các nạn nhân nếu không mang tiền đến nộp cho y.
Lá thư tống tiền của bị cáo Vương
Cảnh sát tống tiền dân
Bị cáo Nguyễn Hữu Vương (SN 1987, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) từng theo học một trường đại học. Sau khi ra trường, Vương cưới vợ, làm kế toán cho một công ty, đến năm 2012 đi nghĩa vụ tại công an TP.  
Giữa năm 2014, gia đình Vương gặp nhiều khó khăn, cha lâm bệnh nặng, nhà cửa phải cầm cố, cộng thêm một số tiền phải vay mượn bên ngoài chưa có nguồn để trả. 
Sau nhiều đêm suy nghĩ, Vương quyết định viết thư đe dọa người khác để có tiền trang trải. Tối 17/9/2014, đang ở đơn vị, Vương mang giấy ra viết 4 bức thư với nội dung: “Gia đình tao đang gặp rất nhiều khó khăn. Tao đang rất cần 10 lượng vàng để trang trải. Trong 2 ngày nếu gia đình mày không hợp tác hoặc báo công an thì tao sẽ bắn bất kỳ ai trong gia đình mày. Số điện thoại của tao 0969066… Tiền hay tính mạng gia đình mày do mày quyết định”.
Viết xong 4 lá thư, Vương chạy xe máy qua khu phố 4, phường Tân Hưng Thuận (quận 12) tìm những gia đình nào có nhà cao cửa rộng thì nhét thư vào đó. Ba lá thư bỏ vào nhà anh Trần Văn Thư, Bùi Lê Phan và chị Trần Thảo Ngân, Vương đều đòi phải đưa 10 lượng vàng. Riêng lá thư bỏ vào nhà chị Lê Thị Diễm Thúy, Vương đòi 20 lượng vàng. 
Sáng 18/9, cả bốn người dân phát hiện những bức thư nặc danh đe dọa nên đã tới trình báo và đề nghị công an vào cuộc bảo vệ gia đình. Riêng anh Thư, do tò mò muốn biết lý do kẻ đe dọa gia đình mình, vì gia đình anh xưa nay sống hòa thuận không mâu thuẫn với ai, nên đã chủ động liên lạc lại theo số điện thoại trên thư. 
Thủ phạm nhấc máy, nói hoàn cảnh khó khăn, yêu cầu anh Thư đưa 10 lượng vàng. Anh Thư nói gia đình không có vàng, chỉ có 20 triệu, thủ phạm đe dọa: “20 triệu chỉ đủ để mua hòm thôi”. 
Kết thúc cuộc gọi, Vương nhắn tin đe dọa sẽ sát hại người nhà anh Thư, uy hiếp rằng, nếu không đưa đủ theo yêu cầu thì “mua hòm để sẵn đi”.
Hai bên “chốt” lại số tiền 70 triệu đồng. Nạn nhân vờ đồng ý, hẹn trưa hôm sau sẽ đưa tiền. Khoảng 11h trưa 19/9/2014, Vương hẹn gặp dưới chân cầu vượt Quang Trung (quận 12), đang nhận tiền thì bị công an mật phục bắt giữ. 
Đối tượng bị tước quân tịch, đuổi khỏi ngành, bị khởi tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản theo điểm a, khoản 4, Điều 135 Bộ luật Hình sự (khung hình phạt từ 12 - 20 năm tù)
Tòa “nhẹ tay”?
Vừa qua, TAND TP.HCM đã đưa vụ án ra xét xử. Các bị hại đều vắng mặt và có đơn xin bãi nại vì chưa gây thiệt hại. Gia đình bị cáo cũng chỉ lèo tèo vài người tới dự, khóc suốt cả phiên tòa. 
Thủ phạm từng có tiếng ngoan hiền, hiếu thảo, có học hành, tương lai rộng mở nhất, vậy mà đã mất tất cả. 
Thủ phạm cho rằng: “Khi anh Thư đưa tiền đến, bị cáo đã xin lỗi anh Thư, kể nghe gia cảnh của bị cáo. Bị cáo cũng từ chối không nhận tiền, nhưng anh ấy nói cứ cầm về mà lo cho gia đình. Lúc đó bị cáo cũng không dám cầm, mà chỉ nói anh Thư để trên xe cho bị cáo, nhưng có người đi sau nhét vào túi quần bị cáo rồi bị công an bắt”.
Chủ tọa phiên tòa mời người mẹ khắc khổ cùng người vợ trẻ của bị cáo đang nức nở dưới khán phòng lên đứng trước mặt bị cáo để bị cáo suy nghĩ. Tại phần luận tội, đại diện VKSND TP.HCM xét thấy bị cáo có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo… nên đề nghị dưới khung với mức án từ 7 - 8 năm tù. 
 Cựu cảnh sát trước vành móng ngựa
Tuy nhiên sau khi nghị án, HĐXX chỉ tuyên phạt mức án 30 tháng tù về hành vi cưỡng đoạt tài sản, bởi cho rằng bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều giấy khen của ngành, thành khẩn khai báo. 
Điều đặc biệt, HĐXX cho rằng tội cưỡng đoạt là cấu thành vật chất nên bị cáo chỉ phải chịu theo số tiền thực tế chiếm đoạt được là 70 triệu đồng, do vậy chỉ xử theo Khoản 2, Điều 135 (chiếm đoạt từ 50 đến dưới 200 triệu đồng) với khung hình phạt từ 3 - 10 năm). 
Trong khi đó, VKS cho rằng đây là tội cấu thành hình thức, nghĩa là Vương phải chịu mức án về hành vi cưỡng đoạt 4 tỉ.
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM nêu quan điểm đồng tình với ý kiến của VKS, cho rằng tội “Cưỡng đoạt tài sản” là nhóm tội có cấu thành hình thức (tức là khi người phạm tội có hành vi mà điều luật mô tả thì tội phạm đã hoàn thành). “Trong vụ này tòa đã xử “nhẹ tay””, luật sư này nhận xét. 
Được biết, tho BLHS, tội danh này có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù.
Tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo đó “người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt…”.
Ngoài những dấu hiệu về chủ thể phải đủ năng lực hành vi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thì mục đích chiếm đoạt là yếu tố bắt buộc trong cấu thành của tội này. Nếu người phạm tội không có mục đích chiếm đoạt tài sản mà hành vi nhằm một đích khác thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Hành vi khách quan "đe doạ sẽ dùng vũ lực…" là hành vi dọa  sẽ gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng trong tương lai nếu không thoả mãn yêu cầu chiếm đoạt của người phạm tội. Khác với tội "Cướp tài sản" đe doạ "dùng vũ lực ngay tức khắc" thì tội "Cưỡng đoạt tài sản" là đe doạ "sẽ dùng vũ lực"; tức là dùng vũ lực trong tương lai, có khoảng cách về thời gian. Sự đe doạ này không có tính nguy hiểm như tội cướp.

Đọc thêm