"Cào bằng" phí, lệ phí cho các địa phương là không ổn"

(PLO) - Với 51 khoản phí và 39 khoản lệ phí theo Dự án Luật Phí và Lệ phí thay vì 73 khoản phí và 42 khoản lệ phí theo Pháp lệnh Phí và Lệ phí năm 2001, nhiều đại biểu ở các TP lớn cho rằng khung này quá hẹp, không tạo điều kiện chủ động cho chính quyền địa phương trong quản lý đô thị…
Nhiều Đại biểu Quốc hội băn khoăn việc đưa viện phí ra khỏi danh mục phí sẽ gây khó khăn cho người dân
Nhiều Đại biểu Quốc hội băn khoăn việc đưa viện phí ra khỏi danh mục phí sẽ gây khó khăn cho người dân

Loay hoay trong “chiếc áo chật”

Theo Đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch, vẫn chưa có tư tưởng thay đổi trong quy định phí và lệ phí, chính quyền địa phương chỉ được quy định trên danh mục Luật quy định mà không được đặt ra các khoản phí và lệ phí khác. 
Theo ông, tại đô thị có những loại đặc thù mà nông thôn không có, do vậy việc "cào bằng" các loại phí, lệ phí cho tất cả các địa phương là không ổn… Ông cũng đề nghị cần phải tách riêng phí và lệ phí thành hai chương khác nhau bởi bản chất của phí và lệ phí là không giống nhau.
Cũng như ĐB Trần Du Lịch, nhiều ĐB Đoàn TP.HCM băn khoăn là thẩm quyền của HĐND TP chỉ được quy định mức thu trong khung mà Luật quy định là quá hẹp. ĐB Trương Thị Ánh dẫn Điều 15 (các hành vi nghiêm cấm) và Điều 19 (thẩm quyền của HĐND) và cho rằng thẩm quyền của HĐND đã bị “quét sạch” ở 2 điều này, có nghĩa HĐND chỉ được quy định các mức thu đi lên hoặc đi xuống trong khung này, trong khi các loại phí, lệ phí phát sinh, nhất là đối với những đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM thì không được thu. 
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đề nghị với những đô thị đặc biệt, cần có cơ chế chính sách riêng để chủ động điều chỉnh quản lý đô thị.  Cũng theo đại biểu Tâm, đây là lĩnh vực phân cấp dễ nhất mà không làm được thì các lĩnh vực khác không hình dung làm được gì?.
“Nếu đối chiếu với dự luật chính quyền địa phương thông qua tới đây thì mới thấy luật đó chỉ là lý thuyết. Bởi lẽ, dự luật đó quy định việc phân cấp cho chính quyền địa phương do các luật chuyên ngành. Trong khi luật chuyên ngành là Dự án Luật Phí và Lệ phí có phân cấp đâu? “- ĐB Tâm băn khoăn.
ĐB Nguyễn Văn Minh than thở: “Mỗi lần đưa ra HĐND để thu phí rất vất vả, có nhiều loại không đề ra thì xã hội đã thu rồi”. Ông Minh nhắc lại việc thu phí bảo trì đường bộ và than: “Thu cũng không được và không thu cũng không được”. Theo ông, nói thu thì đơn giản nhưng thực tế phải thêm bộ máy, nếu không cũng kiêm nhiệm. 
Một ví dụ được ĐB Minh đưa ra là phí vệ sinh, quận 1 giá đất 81 triệu/m2 trong khi huyện Củ Chi giá mấy trăm nghìn nên không thể thu một mức phí mà cần phải phân cấp tiếp cho HĐND quận, huyện. Điều mà vị ĐB này cũng băn khoăn là từ phí và lệ phí dẫn đến “tự nguyện” đóng góp mà chính quyền cũng không quản được. “Tiếng là tự nguyện nhưng 10 người thì 9 người đóng rồi, mình không thể không đóng...”- ông Minh nêu thực tế. 
ĐB Trần Văn Bản (Bình Định) cũng băn khoăn về việc có nhiều khoản quỹ người dân vẫn phải đóng góp không nằm trong Pháp lệnh Phí và Lệ phí, đã gây bức xúc cho xã hội. Trong Dự án Luật chưa đề cập đến hệ thống quỹ mà thực tế người dân phải đóng góp. “Liệu sự ra đời của Luật có khắc phục được vấn đề này hay không? Đây là vấn đề người dân rất quan tâm...”-  ông Bản cho biết.
Trăn trở học phí, viện phí
Một trong những thay đổi lớn trong Dự án Luật Phí và Lệ phí là đưa viện phí, học phí ra khỏi danh mục phí để thực hiện theo cơ chế giá. ĐB Nguyễn Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, nhiều nước tư bản miễn học phí, viện phí, trong khi Việt Nam theo định hướng XHCN  lại đưa học phí, viện phí thực hiện theo cơ chế giá thì cần cân nhắc, tránh như trường hợp Điều 60 Luật BHXH, bởi một khi theo cơ chế giá là phải tính đúng, tính đủ. 
“Cái này tác động sâu sắc tới đời sống nhân dân. Nhà nước đầu tư nhân lực, bồi dưỡng nhân tài thì Nhà nước phải lo chứ. Còn khi kêu gọi xã hội hóa, cho tư nhân vào thì khi đó thu theo nhu cầu…”- ĐB Minh đề nghị.
Đồng tình với việc đưa học phí, viện phí ra khỏi danh mục để thực hiện theo cơ chế giá, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) đề nghị trước mắt cần để lại học phí phổ thông trong danh mục phí bởi chúng ta đang khuyến khích, tạo điều kiện tối đa để phổ cập phổ thông, đây là bước đệm để tiến tới đưa học phí phổ thông sang thực hiện theo cơ chế giá như học phí đại học.
Trong khi học phí, viện phí được đưa ra danh mục phí thì nhiều ĐB cũng tỏ ra băn khoăn khi nhiều loại phí khác có yếu tố kinh doanh đáng ra phải thực hiện theo cơ chế giá nhưng vẫn để trong danh mục phí. Đại biểu Nguyễn Văn Minh (Quảng Nam) dẫn nguyên tắc thu phí “bù đắp chi phí có lợi nhuận” và dẫn ra một số phí như phí chứng thực, phí tuyển dụng cán bộ công chức… và băn khoăn với câu hỏi “Có lợi nhuận không?”. Theo chương trình làm việc, Dự án Luật Phí và Lệ phí sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2015 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017.
Thế nào là “giá trị hợp lý”?
Đồng tình với việc cần thiết ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, đảm bảo tính hội nhập về nguyên tắc và chuẩn mực kế toán, các ý kiến đóng góp đề nghị làm rõ hơn khái niệm “giá trị hợp lý”. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) băn khoăn “giá trị hợp lý” có thể làm doanh nghiệp (DN) từ lãi thành lỗ và đề nghị không dùng khái niệm “giá trị hợp lý” mà thay vào đó là “giá trị được xác định lại”. Dự án cũng quy định việc đánh giá lại nhưng ai là người đánh giá lại, DN hay cơ quan thứ ba? Bao giờ thì xác định lại? Tài sản hết khấu hao có đánh giá lại ghi vào giá trị tài sản không? Ngoài tài sản hữu hình có nên quy định giá trị tài sản vô hình không? ĐB Hòa đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ và ngoài 3 cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kế toán, ĐB. Hòa đề nghị bổ sung thêm cơ quan thuế.

Đọc thêm