Cao Bằng thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng, miền

(PLVN) - Tỉnh Cao Bằng đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trên cả 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số) đạt kết quả đáng khích lệ. Qua đó, góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng, miền, mang lại cuộc sống tiện ích cho người dân.
Lực lượng công an thực hiện cấp CCCD gắn chíp và cài đặt, kích hoạt định danh điện tử cho công dân (Ảnh: Lê Hanh)

Trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện đồng bộ, xuyên suốt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện CĐS trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, tập trung triển khai 5 nhóm tiện ích và 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Xác định CĐS là một trong nhiệm vụ quan trọng góp phần ổn định kinh tế, tạo động lực thúc đẩy và phục hồi kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ trong triển khai, thực hiện, chủ động rà soát 05 nhóm “Pháp lý - Hạ tầng - An ninh an toàn - Dữ liệu - Nguồn lực” để chủ động triển khai phù hợp, hiệu quả. Đồng thời gắn trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu đơn vị các cấp đối với nhiệm vụ được giao trong triển khai, thực hiện Đề án 06.

Người dân tra cứu các thủ tục hành chính (Ảnh: Lê Hanh)

Cụ thể, các ứng dụng công nghệ được sử dụng ngày càng nhiều, có tính chuyên sâu, trở thành công cụ đắc lực trong giải quyết công việc của lãnh đạo và các công chức, viên chức, qua đó, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền. Đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành đạt 100%.

Từ ngày 15/12/2023 đến 15/6/2024 tỉnh tiếp nhận 91.636 hồ sơ TTHC, đã giải quyết 88.467 hồ sơ, trong đó: 87.158 hồ sơ đúng hạn, trước hạn, 2.098 hồ sơ TTHC trễ hạn, còn 1,071 hồ sơ đang giải quyết. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tỉnh đạt 65,7%, trong đó: Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 69,49%, Tỷ lệ hồ sơ TTHC hóa hồ sơ, giải quyết TTHC đạt 67,01%, Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 61,64%, Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 90%.

Đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh, trong tổng số 1.476 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có 1.392 doanh nghiệp nộp thuế điện tử, 1.324 doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác 385.566 người (đạt 71%). Tổng số lượt người dân sử dụng dịch vụ mobile money đạt 55.264 lượt người (10,18%).

Hệ thống sàn thương mại điện tử Postmart được triển khai giúp kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giúp tiêu thụ nông sản của địa phương thuận tiện, nhanh chóng với 2.400 sản phẩm nông sản tại địa phương được hỗ trợ. Việc tích cực triển khai các nền tảng số phục vụ du lịch, ứng dụng trong quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quản lý du lịch, giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin về các điểm du lịch, dịch vụ du lịch của tỉnh thuận tiện.

CĐS cũng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường, qua đó giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã triển khai phục vụ, phát triển công dân số, số công dân có tài khoản định danh điện tử tăng nhanh, 100% cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2.

Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu, 100% các cơ quan đơn vị có kết nối internet tốc độ cao và hệ thống mạng LAN được xây dựng hoàn thiện. Đến nay tổng cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã trang bị đầu đọc CCCD gắn chip là 181/181 đạt 100%.

Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 15/6/2024 tỷ lệ sử dụng CCCD gắn chip đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập là 107.517/211.005 đạt 51% tổng lượt khám và điều trị. Toàn tỉnh có 105.070 tài khoản cài đặt VssID trên tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh Cao Bằng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo, Kế hoạch số 148/KH-UBND, ngày 23/01/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án 06 tỉnh Cao Bằng năm 2024 và các văn bản chỉ đạo khác.

Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương về việc triển khai Đề án 06, tiện ích các dịch vụ công trực tuyến, Luật Căn cước đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và người dân để tạo sức lan tỏa nâng tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến và triển khai thi hành Luật Căn cước đạt hiệu quả. Đôn đốc các đơn vị rà soát, thống kê, công bố, kịp thời các thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã, Tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chuyển đổi số đã góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân, tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, từ đó đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, từng bước thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng, miền, mang lại cuộc sống tiện ích cho người dân.

Đọc thêm