Tham dự Lễ vận hành thí điểm khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc) về phía Việt Nam có các đại biểu: ông Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ủy ban Điều phối tỉnh Cao Bằng; ông Lê Văn Phúc - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao; ông Bế Thanh Tịnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung tỉnh Cao Bằng; ông Trịnh Trường Huy - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, huyện Trùng Khánh.
Về phía Trung Quốc, có ông Miêu Khánh Vương - Phó Chủ tịch Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc; đại diện lãnh đạo Vụ Biên giới và Hải dương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc; trạm kiểm tra biên phòng xuất, nhập cảnh Quảng Tây và hơn 130 đại biểu, đoàn du khách 2 bên.
Các đại biểu dự buổi Lễ vận hành thí điểm khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc) |
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trịnh Trường Huy cho rằng, mô hình hợp tác bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) là mô hình mới, chưa có tiền lệ.
Việc hai nước hoàn thành ký kết Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) mang ý nghĩa to lớn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, thể hiện sự thiện chí và quyết tâm của cả hai nước xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Việc đưa vào vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên là tiền đề để đưa khu cảnh quan này vào vận hành chính thức trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ thúc đẩy hợp tác du lịch, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân địa phương hai bên biên giới và nhân dân hai nước Việt - Trung, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển đi vào chiều sâu. Khi đi vào vận hành thí điểm sẽ trở thành mô hình kiểu mẫu du lịch qua biên giới và du lịch xanh, giúp tỉnh Cao Bằng phát huy các thế mạnh, tiềm năng du lịch.
Thời gian vận hành thí điểm là 1 năm, bắt đầu từ 9 giờ Hà Nội (10 giờ Bắc Kinh) ngày 15/9/2023 đến 16 giờ Hà Nội (17 giờ Bắc Kinh) ngày 14/9/2024. Trong thời gian vận hành thí điểm, du khách hai nước thực hiện đăng ký trước, theo hình thức đoàn ra, đoàn vào, số lượng mỗi đoàn không quá 20 người. Du khách đi vào Khu cảnh quan hai bên sử dụng hộ chiếu (không cần visa), giấy thông hành xuất, nhập cảnh.
Phía Việt Nam có phương án quản lý bằng “hàng rào mềm” tại các lối đi chính và điểm tham quan, lắp đặt các trạm gác, camera giám sát, bố trí các biển báo. Trong thời gian vận hành thí điểm, du khách 2 nước thực hiện đăng ký trước theo hình thức đoàn ra, đoàn vào, số lượng mỗi đoàn không quá 20 người.
Thời gian dừng chân của mỗi đoàn du khách tại nước sở tại không được vượt quá 5 giờ, nghiêm cấm du khách lưu trú trái phép; du khách sử dụng hộ chiếu (không cần visa), giấy thông hành xuất nhập cảnh để đi vào khu cảnh quan hai bên.
Trong thời gian vận hành thí điểm, miễn thu vé vào cổng đối với du khách từ phía Việt Nam đi vào phía Trung Quốc, đơn vị tổ chức đoàn phía Việt Nam phải mua bảo hiểm cho du khách trước khi vào khu cảnh quan phía Trung Quốc, các dịch vụ khác phải tự chi trả theo chi phí thực tế; du khách từ phía Trung Quốc vào phía Việt Nam phải mua vé, giá vé là 70 nghìn đồng/người/lần (đã bao gồm bảo hiểm, không bao gồm các phí dịch vụ khác).
Tiết mục văn nghệ được kết hợp giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Trung Quốc. |
Lễ vận hành thí điểm cho du khách qua lại khu cảnh quan Thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) năm trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội "Về miền non nước", Lễ hội tổ chức quy mô cấp tỉnh, nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất, con người Cao Bằng nói chung, đặc biệt là giới thiệu, quảng bá danh thắng quốc gia thác Bản Giốc đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Lễ hội cũng cổ vũ, khuyến khích các hoạt động phong trào, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo đảm an ninh - quốc phòng, thu hút đầu tư, đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới; là ngày hội văn hóa du lịch, là cầu nối gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các vùng miền, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Cao Bằng nói chung, huyện Trùng Khánh nói riêng.
Lễ hội diễn ra từ ngày 5 - 10/9/2023 tại huyện Trùng Khánh, gồm các hoạt động: Lễ rước nước cầu quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa; không gian trưng bày, giới thiệu sản vật, đặc sản, ẩm thực; hoạt động thể thao, trò chơi dân gian; chương trình “Hát then - Đàn tính" với sự tham gia 1.000 người; tuần lễ trải nghiệm vườn dẻ...