Cao tốc Bắc - Nam tiếp tục thiếu vật liệu

(PLVN) - Vấn đề thiếu đất, đá, cát phục vụ làm nền đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã xảy ra từ khi thực hiện dự án này ở giai đoạn 1, nhưng đến giai đoạn 2 hiện nay nỗi lo ấy vẫn thường trực, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Cao tốc qua Đồng bằng sông Cửu Long cần nhiều vật liệu đắp nền. (Ảnh: Bộ GTVT)
Cao tốc qua Đồng bằng sông Cửu Long cần nhiều vật liệu đắp nền. (Ảnh: Bộ GTVT)

Lý do chủ yếu làm chậm tiến độ dự án

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hiện tại toàn bộ 25 gói thầu xây lắp thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) đã được tổ chức thi công. Đến nay, giá trị sản lượng hoàn thành đạt gần 8.200 tỷ đồng, đạt hơn 9% giá trị hợp đồng, chậm hơn 1% so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu vật liệu đắp nền.

Theo kết quả tính toán của đại diện Bộ GTVT, tổng nhu cầu vật liệu đá cho 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa là hơn 17 triệu m3; cát khoảng hơn 9 triệu m3; đất đắp khoảng gần 46 triệu m3. Hai dự án thành phần đoạn đoạn Cần Thơ - Cà Mau cần tổng cộng hơn 1,3 triệu m3 đá, khoảng 1,5 triệu m3 đất đắp và hơn 18 triệu m3 cát đắp nền đường.

Tình hình cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án hiện đang còn chậm so với yêu cầu. Cụ thể, với các dự án thành phần từ tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, đến nay các địa phương đã xác nhận 45/69 mỏ các nhà thầu trình, trong số 45 mỏ đã được xác nhận bản đăng ký, các nhà thầu mới khai thác được 16 mỏ. Các mỏ chưa khai thác cũng như chưa xác nhận bản đăng ký chủ yếu do việc thương thảo với chủ sở hữu đất về giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Một số mỏ phải thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, mục đích sử dụng đất.

Với hai dự án thành phần khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo số liệu khảo sát thời điểm hiện tại, nguồn cát sông bảo đảm chất lượng cung cấp cho các dự án chủ yếu tại các tỉnh có Sông Tiền và Sông Hậu đi qua. Trữ lượng lớn tập trung tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng.

Chính phủ đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long để ưu tiên cung cấp cho dự án với tổng nhu cầu khoảng hơn 18 triệu m3. Trong đó, tỉnh An Giang được giao bố trí 7 triệu m3, Đồng Tháp 7 triệu m3, Vĩnh Long 5 triệu m3. “Đến nay các địa phương đã cơ bản xác định được nguồn vật liệu nhưng các thủ tục cấp cho dự án còn chậm” - Bộ GTVT đánh giá.

Trong bối cảnh thiếu nguồn vật liệu để thi công tuyến chính, các đơn vị thi công đành lựa chọn những phần việc ít liên quan đến vấn đề đắp nền để triển khai. Theo đó, Bộ GTVT cho biết, hiện các đơn vị thi công tập trung triển khai các hạng mục có giá trị cao và không phụ thuộc vào nguồn đắp như cầu, hầm, cống, các đoạn tuyến đào, đắp sử dụng vật liệu điều phối; tổ chức thi công cuốn chiếu, có công địa đến đâu thi công đến đó, bảo đảm giá trị thực hiện dự án được luỹ tiến từng ngày, bám đuổi sát với tiến độ tổng thể.

Đề xuất giải pháp tháo gỡ

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án (PMU) Mỹ Thuận (chủ đầu tư cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau), do địa hình khu vực miền Tây nhiều vùng trũng nên việc làm cao tốc cần nhiều vật liệu đắp nền, trong khi đó đây là khu vực đồng bằng, ít đồi núi nên nguồn vật liệu đắp nền chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cát sông Tiền và Sông Hậu. Tuy nhiên, thủ tục để khai thác các mỏ cát này tốn nhiều thời gian, trải qua nhiều thủ tục.

Lãnh đạo PMU Mỹ Thuận cho biết thêm, trong tổng nhu cầu hơn 18 triệu m3 cát đắp nền đường Dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau, đến nay các địa phương mới chỉ bố trí được gần 1,5 triệu m3. Khi nhà thầu tiếp nhận được 0,48 triệu m3 thì các mỏ tạm dừng do bị thu hồi. Do đó, theo lãnh đạo PMU Mỹ Thuận, các địa phương cần đẩy nhanh các thủ tục nâng công suất các mỏ đang khai thác để có thể cấp cho dự án càng sớm càng tốt.

Để giải quyết căn cơ việc thiếu vật liệu đắp nền trong thi công các dự án trọng điểm quốc gia, Bộ GTVT cho biết, cần nghiên cứu điều chỉnh Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, theo hướng cho phép giao mỏ trực tiếp để khai thác phục vụ riêng cho dự án. Việc này sẽ đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản, tạo điều kiện cho chủ đầu tư, đơn vị thi công chủ động nguồn vật liệu đắp nền đường.

Trong công điện mới đây về tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sử dụng cát biển cho đắp nền các dự án hạ tầng như đường bộ cao tốc, quốc lộ để giảm phụ thuộc vào nguồn cát sông, chủ động nguồn vật liệu, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trong thời gian tới. Đồng thời, việc sử dụng cát biển phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Nhiệm vụ này hoàn thành trong tháng 10/2023.

Đọc thêm