Cao tốc PPP ‘rùa bò’ vì PMU ‘dán mắt’ vào dự án công?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Đối với một dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), Bộ GTVT chỉ đóng vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do một Ban quản lý dự án (PMU) thuộc Bộ thay mặt. Tuy nhiên, quyền hành của PMU ở những dự án dạng này không lớn như công trình dùng ngân sách nhà nước, do chính các PMU này làm đại diện chủ đầu tư.
Thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020
Thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020

Trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 có 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP, thì Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt đang bê bết nhất.

Lý do được đưa ra là nhà đầu tư chậm huy động vốn, doanh nghiệp dự án thiếu chuyên nghiệp và các đơn vị trong liên danh nhà đầu tư ôm đồm nhiều vai, nhiều việc… nên chưa tập trung đủ nhân lực, tài chính cho dự án dù nó đã khởi công gần 12 tháng.

Theo tìm hiểu, không chỉ các nhà đầu tư một lúc phải “phân thân” nhiều nơi, nhiều việc mà ngay cả đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt là PMU6 cùng một thời điểm cũng phải quản lý khá nhiều dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, ngoài ra còn điều hành các công trình cầu, đường ở những địa bàn khác.

Cụ thể, PMU6 đang làm đại diện chủ đầu tư cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu; ở giai đoạn 2 (2021 - 2025), Ban này được giao quản lý thêm 2 dự án nữa là đoạn Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh. Ngoài ra, PMU6 còn làm công tác chuẩn bị đầu tư cho cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột…

Tất cả những dự án nói trên đều là đầu tư công. PMU6 đã và sẽ đóng vai trò “đại diện chủ đầu tư”, với quyền lực rất thực chất khi làm việc với các nhà thầu xây lắp. Còn ở cao tốc PPP Diễn Châu - Bãi Vọt, Ban này chỉ là “đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, làm việc với nhà đầu tư và hưởng phí “cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

“Thực tế, khoản phí cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà các Ban được hưởng khi tham gia các dự án PPP rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với phí quản lý dự án ở các công trình dùng vốn ngân sách mà các Ban được hưởng khi làm đại diện chủ đầu tư”, một cán bộ quản lý dự án của Bộ GTVT nói với PLVN.

Cầu Cửa Hội, công trình đầu tư công trị giá gần 1.000 tỷ do PMU6 làm đại diện chủ đầu tư cùng thời điểm chuẩn bị đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1

Cầu Cửa Hội, công trình đầu tư công trị giá gần 1.000 tỷ do PMU6 làm đại diện chủ đầu tư cùng thời điểm chuẩn bị đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1

Lấy ví dụ Dự án PPP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, có tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ, dự kiến thời gian chuẩn bị đầu tư, thi công và quyết toán kéo dài 5 - 6 năm, nhưng chi phí mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền được hưởng ở đây chỉ chừng 10 - 11 tỷ…

Ngoài thực tế “thù lao” thấp, tiếng nói của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở các dự án PPP cũng không “lớn” vì tiền vốn dự án là của doanh nghiệp.

Liệu đây có phải là lý do khiến PMU6 chuyên tâm hơn ở các dự án đầu tư công mà lơ là công việc ở Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Bọt?

Được biết, quy mô công trình trên hơn 11.000 tỷ, dài gần 50km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nhưng theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, có thời điểm trên công trường, PMU6 chỉ bố trí 6 cán bộ quản lý - dẫn tới tình trạng thiếu kiểm tra, đôn đốc nhà đầu tư, trong khi trên đoạn tuyến này đang có một số hạng mục khó (như hầm Thần Vũ) cần hỗ trợ về thiết kế và biện pháp thi công kịp thời từ PMU6.

Thiết nghĩ, trong trường hợp này, Bộ GTVT phải công bằng trong phân tách trách nhiệm của các bên. Nếu nhà đầu tư làm ăn không như cam kết, thì Bộ cần chiểu theo Hợp đồng BOT đã ký với doanh nghiệp để rút “thẻ phạt”. Còn nếu các cơ quan thuộc Bộ làm việc chưa hết trách nhiệm thì phải “lưu sổ” để xếp hạng cuối năm. Vì dù là dự án công hay dự án PPP xã hội hóa, thì khi đã giao trách nhiệm, các PMU phải hoàn thành.

Đọc thêm