Tại Lễ khánh thành, khẳng định đây là dấu mốc lịch sử, lãnh đạo Chính phủ đánh giá những dự án giao thông tổng vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng hoàn thành sẽ mang lại hiệu quả rõ nét về kinh tế - xã hội, giảm chi phí logistics, tạo điều kiện Nhân dân đi lại dễ dàng, đẩy mạnh giao lưu, sản xuất kinh doanh.
Chỉ trong thời gian không dài, chúng ta đã đưa vào khai thác thêm 730km cao tốc, nâng tổng chiều dài cao tốc của cả nước lên gần 1.900km. Cả nước đang thi công gần 1.700km, phấn đấu đến 2025 hoàn thành 3.000km và đến 2030 có trên 5.000km cao tốc.
Cùng khoảng thời điểm, liên quan cao tốc, cũng có một thông tin đáng chú ý, là từ ngày 1/2/2024, 4 đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây do TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư sẽ tăng phí dịch vụ khoảng 5 - 12% so với hiện nay. Thông tin này khiến nhiều người nhẩm tính, rồi đây khi tất cả các cao tốc đều thu phí, thì số tiền mỗi xe phải trả nếu chạy Bắc - Nam và ngược lại là bao nhiêu?
Trong thực tế, thời gian qua, phần lớn các cao tốc vừa khánh thành và đang xây dựng đều sử dụng vốn đầu tư công. Vì vậy, nhiều đoạn cao tốc gần năm qua các xe đều sử dụng miễn phí, như: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây... Tuy nhiên, sự miễn phí này sẽ không dài lâu, vì dự án Luật Đường bộ đã bổ sung quy định về thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Mới đây, trả lời Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết đã nghiên cứu, đánh giá tác động của việc thu phí cao tốc. Các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư có đường quốc lộ song hành cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn. Đi cao tốc có nhiều lợi ích hơn do tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí vận tải.
Theo Bộ GTVT, hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện chưa tách bạch được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng cao tốc. Việc thu phí cao tốc bảo đảm sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng sử dụng, theo nguyên tắc người sử dụng chất lượng cao hơn phải trả phí cao hơn. Người sử dụng nếu không đi cao tốc thu phí có quyền lựa chọn tuyến đường song hành.
Việc thu phí cao tốc để bảo đảm cân đối lợi ích của người dân và Nhà nước, nhất là trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế. Nếu hệ thống đường cao tốc được xây dựng hoàn thiện, cần kinh phí khổng lồ cho bảo trì, hoạt động mà không thu phí thì sẽ rất khó khăn.
Quan điểm nêu trên là rất đúng đắn. Vấn đề nằm ở chỗ cơ quan chức năng cần tính toán mức thu cần hài hòa với lợi ích của người dân, để phần lớn mọi người đều có thể sử dụng cao tốc, chứ không chỉ dành cho người giàu. Cao tốc do Nhà nước đầu tư, thì mức phí cũng cần hợp lý hơn các dự án cao tốc tư nhân từng đầu tư. Thu mức phí hợp lý thì nhất định hệ thống cao tốc Nhà nước đầu tư sẽ “đắt khách”, tài xế sẽ không phải cân nhắc tính toán “đi quốc lộ hay cao tốc” và niềm vui của người dân được dài lâu.