Triển khai tại 24 tỉnh, thành phố
Triển khai 2 Luật trên, Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng (Cục Công nghệ thông tin, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực – Bộ Tư pháp và Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) – Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) phối hợp thực hiện việc cấp SĐDCN cho trẻ em đăng ký khai sinh từ ngày 1/1/2016. Lãnh đạo 2 Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị ưu tiên triển khai về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường truyền, bố trí nguồn nhân lực để tổ chức cấp SĐDCN cho trẻ em đăng ký khai sinh theo đúng kế hoạch đề ra.
Để khẩn trương cấp SĐDCN cho trẻ đăng ký khai sinh theo quy định của 2 Luật và của Lãnh đạo 2 Bộ, C72 và Cục Công nghệ thông tin – Bộ Tư pháp đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và ký Quy chế tạm thời quy định về quy trình phối hợp trong công tác tiếp nhận thông tin, cấp SĐDCN cho trẻ em đăng ký khai sinh kể từ ngày 1/1/2016. Quy chế tạm thời đã quy định cụ thể trách nhiệm của các bên trong nhận thông tin khai sinh, cấp SĐDCN, chỉnh sửa, cải chính thông tin, hủy SĐDCN cũng như phối hợp xử lý các tình huống phát sinh. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong quá trình gửi thông tin, tiếp nhận thông tin và cấp SĐDCN cho trẻ em giữa 2 đơn vị khi triển khai thực hiện, đảm bảo cho hệ thống cấp số định danh được vận hành thông suốt.
Tính đến cuối tháng 4/2018, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã phối hợp thu thập, cập nhật và tổ chức cấp gần 1,1 triệu SĐDCN cho trẻ em đăng ký khai sinh tại 24 tỉnh/thành phố được triển khai hệ thống đăng ký khai sinh điện tử. Việc phối hợp tổ chức cấp SĐDCN cho trẻ em đăng ký khai sinh của 2 Bộ theo quy định của Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được các cấp, các ngành đánh giá cao, được nhân dân hết sức đồng tình, ủng hộ; góp phần tích cực vào công tác quản lý dân cư, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ công dân.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, theo Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh, việc Bộ Tư pháp chủ động xây dựng và triển khai Dự án thí điểm thiết lập Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch là rất đáng ghi nhận. Bởi đạt được kết quả quan trọng bước đầu là đã thực hiện được nhiệm vụ do 2 Luật giao là cấp SĐDCN cho trẻ em khi đăng ký khai sinh từ ngày 1/1/2016.
Cần hạn chế tối đa sai sót trong cấp số định danh
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, sau 02 năm triển khai việc cấp SĐDCN cho trẻ em đăng ký khai sinh vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ tư pháp cấp phường/xã còn hạn chế nên vẫn xảy ra trường hợp nhập sai thông tin dân cư khi đăng ký khai sinh dẫn đến việc phải tiến hành hủy SĐDCN và điều chỉnh thông tin công dân, phần nào gây ảnh hưởng đến tài nguyên số chung và thời gian giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy khai sinh cho công dân.
Việc quy định về đối tượng được cấp SĐDCN khi đăng ký khai sinh cũng chưa được chặt chẽ dẫn đến một số trường hợp trên 14 tuổi vẫn được cấp SĐDCN khi đăng ký khai sinh nên phải hủy số vì trùng với số Căn cước công dân. Theo thống kê đến nay có 1.534 trường hợp hủy SĐDCN (chiếm 0,14%) và có 34.038 trường hợp điều chỉnh thông tin công dân (chiếm 3,2%).
Thời gian tới, để việc phối hợp cấp SĐDCN cho trẻ em đăng ký khai sinh của 2 Bộ ngày càng chặt chẽ, đạt hiệu quả và đảm bảo đúng quy định của 2 Luật, có ý kiến cho rằng các đơn vị chức năng của 2 Bộ cần tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp trong công tác cấp SĐDCN cho trẻ em khi đăng ký khai sinh; quy định cụ thể đối tượng được cấp SĐDCN khi đăng ký khai sinh; hạn chế tối đa những sai sót trong quá trình cấp SĐDCN. Hai bên cũng cần sớm bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện và ký Quy chế phối hợp trong công tác cấp SĐDCN cho trẻ em đăng ký khai sinh, thay thế Quy chế tạm thời hiện nay.
C72 kiến nghị Cục Công nghệ thông tin – Bộ Tư pháp tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở làm công tác đăng ký khai sinh điện tử, hạn chế tối đa việc nhập sai thông tin và đề nghị hủy SĐDCN. Về phần mình, Cục Công nghệ thông tin – Bộ Tư pháp cho biết sẽ mở rộng phạm vi triển khai Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch cho các địa phương đã đáp ứng được các điều kiện triển khai và đã có văn bản chính thức đăng ký triển khai như đề xuất của C72 nhằm tiến hành đồng bộ việc thu thập, cập nhật thông tin dân cư và cấp SĐDCN cho trẻ em đăng ký khai sinh tại tất cả 63 địa phương.