Cụ thể, phía Poma đề xuất đầu tư tuyến cáp treo từ Bến Nứa (Bến xe Long Biên) tới Bến xe Gia Lâm bằng đường cáp treo vượt qua sông Hồng và có hướng chạy dọc cầu Long Biên. Nhà đầu tư sẽ xây dựng một tuyến cao treo với các trụ đỡ cao từ 50 đến 100 m, sức chứa từ 25 đến 30 khách mỗi cabin; mỗi giờ cáp treo vận chuyển được khoảng 1.000 người. Tuyến cáp treo dự kiến dài hơn 5 km, trong đó có khoảng 1,2 km vượt sông Hồng, khoảng 4 km đi trên mặt đất; chi phí đầu tư khoảng 10 đến 15 triệu Euro mỗi km, thời gian thi công từ 18 - 24 tháng.
Tuyến cáp treo vượt sông Hồng chưa phù hợp trong giai đoạn hiện nay (Ảnh An ninh Thủ đô). |
Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc đầu tư dự án cáp treo do tập đoàn Poma đề xuất trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp. "Bởi theo các đồ án quy hoạch như: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259; Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 519; Quy hoạch các phân khu đô thị gần khu vực nghiên cứu cũng như quy hoạch vận tải hành khách công cộng đều không đề cập đến loại hình vận tải hành khách công cộng bằng cáp treo như nhà đầu tư đề xuất”, báo cáo của Sở GTVT nêu rõ.
Không chỉ Hà Nội mà vừa qua, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cũng đã “nói không” với đề xuất làm cáp treo vượt sông Thu Bồn của một tập đoàn tư nhân.