Bộ Nội vụ cho biết, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành sau thời gian triển khai đã tạo cơ sở pháp lý bảo đảm quyền dân chủ và phát huy dân chủ trong Nhân dân; phát huy dân chủ trong Nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp Nhân dân. Phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” tiếp tục trở thành một trong những mục tiêu và động lực để phát triển bền vững của địa phương cơ sở.
Thông qua việc thực hiện Pháp lệnh số 34, thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã trở thành một phong trào được lòng dân, được Nhân dân đồng tình ủng hộ và đã đi vào cuộc sống của người dân, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhằm củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, với chính quyền.
Tuy nhiên, sau hơn mười ba năm thực hiện, Pháp lệnh số 34 đã thể hiện nhiều điểm không còn phù hợp; trong đó, quy định của Pháp lệnh số 34 chưa thể hiện được rõ tinh thần Hiến pháp năm 2013 về quyền của Nhân dân, bảo đảm quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân; Một số quy định của Pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với các đạo luật hiện hành; một số quy định đã trở nên lạc hậu so với thực tiễn. Đặc biệt, Pháp lệnh số 34 còn thiếu các biện pháp bảo đảm thực thi dân chủ; Việc tham gia của Nhân dân vào các hoạt động của chính quyền cơ sở còn hạn chế…Từ những lý do trên, việc xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là cần thiết.
Một trong những chính sách đáng chú ý là dự thảo mở rộng phạm vi các thông tin chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi. Theo đó, quy định công khai về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và sơ đồ tổ chức của các cơ quan, đơn vị, bộ phận của chính quyền cấp xã; thủ tục, quy trình giải quyết công việc của cán bộ, công chức cấp xã; phân công công việc; lịch làm việc; lịch hẹn; số điện thoại; số fax; địa chỉ email của cán bộ, công chức giải quyết công việc được phân công liên quan đến Nhân dân; địa chỉ, trụ sở của cơ quan; địa điểm và người có thẩm quyền giải quyết công việc của công dân. Quy định công khai thông tin mà chính quyền cấp xã nhận được từ các cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình và thông tin có liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.
Theo Bộ Nội vụ, quy định này để Nhân dân thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình; tăng trách nhiệm giải trình và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cấp xã. Đồng thời, tạo cơ hội cho Nhân dân được tham gia giám sát hoạt động quản lý nhà nước, đóng góp ý kiến vào công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước và thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.
Dự thảo cũng quy định mở rộng phạm vi các thông tin chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi (so với hiện nay), bổ sung các thông tin chính quyền cấp xã có thể quyết định công khai cho Nhân dân. Theo đó: Bổ sung hình thức công khai thông tin so với hiện nay là hình thức đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp xã; công khai thông tin thông qua việc lấy ý kiến Nhân dân, cơ chế đối thoại, tiếp công dân của Ủy ban Nhân dân cấp xã; đồng thời công khai thông tin bằng các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin xác định; bổ sung các hình thức công khai thông tin tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin của đối tượng là người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của chính quyền cấp xã, trong việc giải trình, tổ chức đối thoại trong trường hợp ban hành quyết định hành chính bất lợi cho đối tượng thi hành đồng thời quy định trách nhiệm cơ quan nhà nước cấp trên ban hành quyết định hành chính có liên quan đến lợi ích cộng đồng phải tổ chức lấy ý kiến Nhân dân tại địa bàn xã.