Nhắc đến casino, nhiều người có thể cười và chỉ thẳng rằng “đánh bạc hả” cũng như nêu tên một loạt những “đại danh” về khoản này như Las Vegas (Mỹ) hay Macao (Trung Quốc), Singapore…Không ít người Việt Nam có dịp du lịch, công tác đến những nơi này đã đặt chân vào các sòng casino để “thử sức, đọ tài” và hầu như chưa từng thấy ai ôm được bộn tiền mà về, chỉ đành cười trừ mà tự an ủi “thôi thử một lần cho biết”…
“Cờ bạc là bác thằng bần”
Đừng tưởng rằng cha ông ta không biết đánh bạc mà còn biết rành rẽ, biết “tận ruột gan” cờ bạc nữa bởi chính các cụ từng nói rồi: “Cờ bạc là bác thằng bần/ Cửa nhà bán hết cho chân vào cùm”. Dù thời xưa chưa từng có máy đánh bạc, các tiền nhân vẫn có cả ngàn lẻ một kiểu “vui chơi có thưởng” để ngày dài đêm thâu vui cười vì thắng hay méo mặt do thua nợ. Đúc kết lại thành câu lục bát trên, rõ ràng thông điệp của tiền nhân chính là không ai có thể làm giàu vì cờ bạc, ngược lại, còn có thể tan cửa nát nhà, vỡ làng vỡ nước vì cờ bạc, đỏ đen.
Trên thực tế, ở Việt Nam cũng đã có casino, mà điển hình là Casino Đồ Sơn, song đối tượng được bước chân vào đây chỉ là người nước ngoài. Từ khi được phép mở cửa đến nay, cũng bởi vì hạn chế đối tượng mà sòng bạc này chưa từng có tai tiếng gì nghiêm trọng (tuy có người rỉ tai rằng một số người Việt có tiền, có thế lực vẫn có thể lén bước chân vào chơi).
Các số liệu thống kê lượng người chơi, doanh thu và các khoản thuế thu được từ Casino Đồ Sơn chắc chắn cơ quan chức năng có thể đã có rồi và hẳn đó cũng là một “tín hiệu” – cùng với kinh nghiệm thực tiễn từ Singapore, Trung Quốc và cả Mỹ nữa – thuyết phục các cơ quan hành pháp khởi động lại vấn đề kinh doanh casino chăng?
Nhà tan cửa nát, ai lo?
Tuy nhiên, chừng như phía Bộ Tài chính dường như “thèm muốn” hơn cả chính là các khoản thu từ “con gà vàng” này chứ ai được chơi thì chưa rõ, những hậu quả sau một đêm ngồi casino lại càng muốn… lờ đi không nói.
Gần Việt Nam nhất, Singapore quản lý cực kỳ chặt chẽ dù casino đem lại cho họ những khoản thu khổng lồ. Người có thu nhập thấp, người thất nghiệp không được bước chân vào chơi, điều này đương nhiên thôi vì… làm gì có tiền.
Còn những đối tượng khác thì có thể, nhưng khi thua đến một mức nào đó, người của sòng bạc sẽ “alo” cho vợ (chồng) của người chơi để… “xin ý kiến” xem có cho phép người này chơi bạc với mức đặt cược lớn như thế không; nếu câu trả lời là “no” thì… “game over”, dừng cuộc chơi nhé! Ố là là, quy định này đáng chú ý với người Việt chúng ta đây, cần được cơ quan nhà nước nghiên cứu.
Nếu là người độc thân, có tài sản riêng, chả vướng bận gì thì tại sao anh (chị) ấy lại không có quyền kiếm tìm may – rủi? Ngược lại, nếu là người đã có gia đình, có phần trách nhiệm với một số người khác thì phải thận trọng:
Chỉ nên được chơi trong phạm vi số tiền nhất định, trong khả năng chi trả của cá nhân đó và tuyệt đối không được ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của thân nhân người chơi. Con nhỏ không có tiền mua sữa, vợ ốm nằm viện không có thu nhập mà chồng thoải mái vô casino chơi xả láng, thua đến mức bán nhà thì quốc gia tư bản còn không dám chấp nhận, hà cớ gì một đất nước đang tiến lên CNXH như Việt Nam lại dám phớt lờ?
“Tham bát, bỏ mâm”
Kinh doanh casino đem lại siêu lợi nhuận, các cụ nhà ta xưa cũng hiểu không kém mấy cha ngoại quốc, bởi câu “thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc” chính là các cụ dạy lại chứ ai. Nhưng, kể từ các triều đại phong kiến đến nay, việc kinh doanh bài bạc chưa từng “cởi mở” bao giờ cũng chỉ bởi vì cha ông ta thật đã nhiều đời phải trả giá rồi.
Doanh thu đem lại từ cờ bạc rất lớn nhưng ảnh hưởng, tác động xã hội của nó còn khủng khiếp hơn, thậm chí phá nát cả gia đình, dòng họ, chòm xóm. Cha ông xưa không sợ gả con gái cho người lười biếng, nghiện ngập nhưng ngán nhất có chàng rể… ham cờ bạc, đỏ đen. Sau thua bạc là đánh chửi, là phá sản, là “ra đê mà ở” với đủ cả nghĩa đen và nghĩa bóng của nó.
Khi ấy, xã hội chắc chắn phải tốn kém chi phí hơn rất nhiều lần để gánh lấy “gánh nặng” mà kẻ cờ bạc đã tạo nên. Và hãy thử nghĩ, nếu một đất nước, một xã hội “cởi mở” với mọi hình thức “vui chơi có thưởng”, trong đó có casino thì liệu người dân sẽ còn hăng hái lao động làm giàu hay sinh thói… chơi vui chờ có tiền, trong khi bản chất của cờ bạc là “được ham ăn, thua ham gỡ”?
Một xã hội văn minh thì không tẩy chay casino và cũng nên dứt khoát không “rộng cửa”. Như Việt Nam ta, thiết nghĩ, nên quy định mức thu nhập trung bình tháng tối thiểu là bao nhiêu đó thì mới có thể được vào casino; nên tuyệt đối cấm đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; nên rà soát, siết chặt các quy định về hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản; nên định ra cách thức giống Singapore, xác minh ý chí của thân nhân người chơi bạc trước khi đặt cược v.v…
Nhăm nhăm sắm trâu về cày là tốt nhưng cũng phải rành rẽ cách thức chế ngự, dạy dỗ, dắt dụ trâu để nó làm việc, sinh lợi cho mình chứ không thể biến mình thành người “hầu hạ” nó. Kinh doanh casino cũng thế, chớ để nó đẻ ra tiền nhưng “nuốt” sạch ổn định, tiến bộ, nhân văn, hạnh phúc… mà chúng ta vốn đã phải bỏ xương máu ra mới có được…