Cầu cạn Pháp Vân: Sập vì....sơ suất

● Thiệt hại ước tính 600 triệu đồng

Cục Giám định chất lượng công trình giao thông đang chờ kết luận kiểm định của cơ quan liên quan, để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT về sự việc này.

sc
Hiện trường xụ sập dầm cầu


Hiệu ứng “domino”
Sáng qua - 19/4, Cơ quan CSĐT (PC15) Công an TP Hà Nội đã chủ trì buổi khám nghiệm hiện trường vụ sập 4 thanh dầm nhịp dẫn cầu cạn Pháp Vân (đường vành đai 3, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Buổi khám nghiệm có sự tham gia của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an quận Hoàng Mai, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, Cty cầu 7 Thăng Long và đại diện nhà thầu chính – liên danh TCty xây dựng cầu Thăng Long và Sumitomo (Nhật Bản).

Theo ghi nhận của cơ quan công an thì 4 thanh dầm bị gãy nối 2 trụ 73, 74 có hình chữ I, chiều dài 33m, nặng khoảng 60 tấn, thuộc làn bên trái, ký hiệu P73L.

 Mỗi làn gác 5 thanh dầm đỡ mặt cầu. 4 thanh dầm bị rơi gãy hướng ra phía ngoài ký hiệu P73L G2 đến G5. Trên các thanh dầm có 3 vết gãy.

Từ những vết nứt gãy của các thanh dầm tại hiện trường, phán đoán khả năng một thanh dầm đã bị nứt võng từ trước, khi đổ ngang đã làm đổ liên tiếp những thanh bên cạnh theo hiệu ứng “domino”, sau đó đổ ập xuống đất và gãy.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác của vụ sập thanh dầm này vẫn phải chờ kết luận của cơ quan chức năng. Nếu có dấu hiệu hình sự, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án. Theo ông Nguyễn Công Tài - Chủ tịch HĐQT Tcty Xây dựng Thăng Long, nhà thầu công trình phỏng đoán nguyên nhân gây sập phiến dầm cầu vượt có thể do các thanh gỗ chống dầm bị thay đổi vị trí, làm dầm thứ 4 bị đổ nghiêng, sau đó tác động làm 3 dầm nằm ngoài đổ sập theo hiệu ứng domino.

"Đây là lỗi của đơn vị thi công, đáng lẽ phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời những thanh chống yếu", ông Tài khẳng định. Phía đại diện nhà thầu cũng ước tính thiệt hại do vụ sập dầm cầu này gây ra khoảng 600 triệu đồng.


Mặt cầu Thanh Trì xuất hiện vết rạn, nứt


Ông Nguyễn Đức Ý, Giám đốc Công ty Cầu 7 Thăng Long (đơn vị thi công công trình) cho biết, 4 thanh dầm vừa sập được gác lên trụ cầu từ ngày 4/12/2009.

“Theo phương án thi công ban đầu, chúng tôi hàn nối với nhau bằng những thanh sắt và dùng cọc gỗ để chống đỡ cho khỏi đổ - ông Ý nói - có thể, qua thời gian dài, do tác động của ngoại lực và mối hàn bị gỉ khiến một trong các dầm cầu bị trượt khỏi trụ và kéo theo những dầm khác”. 

Ông Phạm Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long - PMU Thăng Long (chủ đầu tư công trình) bác bỏ sự cố xảy ra là liên quan đến tiến độ.

Cũng theo ông Bình, thời điểm sự cố  xảy ra không có đơn vị nào thi công, nên nguyên nhân do tác động bằng máy móc từ bên ngoài làm đổ dầm là có thể loại bỏ. Khả năng dầm bị đổ do gió to hoặc gió lốc cũng rất khó xảy ra…

Trả lời phóng viên, Cục trưởng Cục giám định chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Trần Quốc Việt, cho biết, Cục đã tiến hành kiểm tra sự cố gãy 4 dầm cầu cạn Pháp Vân - Linh Đàm (thuộc dự án cầu Thanh Trì).

Ông Việt cho biết, địa điểm xảy ra sự cố vẫn đang trong quá trình thi công, chưa nghiệm thu bàn giao nên trách nhiệm chính vẫn thuộc về đơn vị thi công là liên danh nhà thầu Tổng công ty xây dựng Thăng Long - Sumitomo (Nhật Bản).

Sau khi sự cố xảy ra, hàng loạt cọc che được chống giữ các dầm cầu đã được đơn vị thi công cho công nhân thay thế bằng cọc sắt. Phía Bộ GTVT cũng đã yêu cầu đơn vị chủ đầu tư báo cáo về sự việc này. 

Cuối năm 2009, trên mặt cầu Thanh Trì đã xuất hiện một số vết rạn, nứt. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Giám định chất lượng công trình giao thông đã vào cuộc điều tra, làm rõ.

Theo đánh giá của ông Trần Quốc Việt, đó là các vết rạn xảy ra trên mặt cầu bê tông nhựa và vẫn nằm trong giới hạn cho phép, không ảnh hưởng tới chất lượng công trình.

Ông Việt cho biết, Cục Giám định chất lượng công trình giao thông đang chờ kết luận kiểm định của cơ quan liên quan, để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT về sự việc này.

Việt Hưng

Đọc thêm