Thừa Phát lại TP.Hồ Chí Minh: Tạo niềm tin cho dân, giảm tải cho tòa

(PLO) - Khi không còn là “hai nửa” của nhau, cả hai người không thể ngồi lại để nói chuyện về vấn đề tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Họ tìm đến Thừa phát lại, thế là vấn đề được giải quyết...
Thừa phát lại tạo sự an toàn trong việc giải quyết tranh chấp về tài sản sau ly hôn
Thừa phát lại tạo sự an toàn trong việc giải quyết tranh chấp về tài sản sau ly hôn
Trước đây, bà N.T.L và ông N.H.A là đôi vợ chồng hạnh phúc. Sau đó, do không thể sống chung với nhau nữa nên bà L. và ông A. đã ly hôn theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết ly hôn thì được biết hai người có tạo lập được khối tài sản chung là nhà, đất tại phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM. Khối tài sản này đang được thế chấp tại ngân hàng và hiện đang là đối tượng tranh chấp tại Tòa án giữa bà L. và ông A. 
Chính vì vậy, ông A. và bà L. đã ngồi lại với nhau để thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp cũng như việc rút đơn khởi kiện hay không(?). Tiếp đó, bà L. và ông A. cơ bản thống nhất giải quyết vấn đề tài sản chung như sau: bà L. đồng ý bỏ ra khoản tiền là 240 triệu đồng để thực hiện việc giải chấp tài sản là nhà, đất nói trên. 
Đồng thời, bà L. đồng ý trả thêm cho ông A số tiền 500 triệu đồng. Số tiền này được các bên xác nhận là 1/2 giá trị của khối tài sản (là nhà, đất) nói trên; và số tiền 500 triệu này chỉ được bà L. giao cho ông A khi các bên hoàn tất thủ tục công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền.
Còn theo yêu cầu của bà L., sau khi ông A. chuyển nhượng phần tài sản chung thuộc sở hữu của ông sang cho bà thì ông A. phải rút đơn khởi kiện tại tòa. Ngoài ra, ông A. phải thu dọn dồ đạc và đưa người của ông ra khỏi địa chỉ nhà, đất nói trên. Thoả thuận là thế, tuy nhiên bà L. vẫn không yên tâm khi bỏ tiền để thực hiện thủ tục giải chấp và càng không yên tâm khi giao hết số tiền còn lại cho ông A. Bà sợ ông A sẽ bội ước sau khi nhận tiền từ bà. 
Ngược lại, phía ông A cũng “e ngại” sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, bà L. sẽ không giao tiếp 500 triệu đồng cho mình. Vì vậy, cả hai đã đến Văn phòng Thừa phát lại (TPL) Thủ Đức nhờ tư vấn, vì cả hai không còn niềm tin vào nhau. 
Tại đây, TPL đã tư vấn cho bà L. là nên tiến hành lập vi bằng nhằm ghi nhận buổi làm việc và thỏa thuận giữa các bên làm chứng cứ, trước khi bà L. tiến hành thủ tục giải chấp, ký quỹ tại ngân hàng, rút đơn kiện tại tòa án và thực hiện việc chuyển nhượng phần sở hữu sang cho bà L. Theo đó, vi bằng được lập thành 3 bản, kèm theo là hình ảnh, được đăng ký tại Sở Tư pháp và có giá trị chứng cứ. 
Điều đáng mừng là sau khi TPL tiến hành lập vi bằng để làm chứng cứ trong vụ việc, các bên đã thực hiện thủ tục ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại tổ chức hành nghề công chứng một cách êm xuôi. Sau khi hoàn tất các thủ tục nêu trên, bà L. đã rút đơn khởi kiện tại toà và giao 500 triệu đồng cho ông A. theo đúng như thỏa thuận đã ký kết và đã được TPL lập vi bằng trước đó.
Như vậy, có thể nói vi bằng của TPL đã góp phần quan trọng vào việc tạo ra niềm tin, sự an toàn pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn, qua đó giúp giảm tải hoạt động của Tòa án. 
Ông Nguyễn Tiến Pháp, Trưởng Văn phòng TPL quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết: Có rất nhiều vụ việc đang khởi kiện tại tòa án, nhưng các bên muốn thỏa thuận ngoài tố tụng, sau đó tiến hành rút đơn khởi kiện. Để làm cơ sở cho việc giải quyết vụ việc, TPL đã tiến hành lập vi bằng nhằm tạo niềm tin và là cơ sở cho các bên thực hiện thỏa thuận.

Đọc thêm